Văn hóa

Tìm hiểu về Tatami của Nhật và Văn Hóa Ứng Xử

Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người đều đi chân trần trong nhà của họ.

“Tatami (畳)” là điểm đặc trưng của một ngôi nhà Nhật truyền thống, nơi bạn không được đi giầy dép trong phòng. Phòng được lát sàn bằng tatami được gọi là phòng “和室 Washitsu (phòng kiểu Nhật).” Không chỉ trong ngôi nhà mà người Nhật thường ở, mà ở các khách sạn, nhà khách đều có những căn phòng kiểu Nhật sử dụng chiếu tatami.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về lịch sử của chiếu tatami và văn hóa ứng xử đi cùng với cách sử dụng loại thảm này. Nếu bạn muốn sống trong một ngôi nhà được trải sàn bằng tatami hoặc bạn đã sống ở một ngôi nhà có phòng kiểu Nhật, hãy tham khảo phương pháp vệ sinh Tatami ở cuối bài nhé.

Tổng quan và Lịch sử của “Tatami”

Trước tiên, chúng tôi sẽ giới thiệu về định nghĩa tatami là gì, lịch sử và đặc điểm của chiếu tatami.

“Tatami” là gì?

“Tatami (畳)” là một trong những vật liệu để lát sàn được sử dụng trong các căn phòng kiểu Nhật. Không giống như sàn sử dụng gỗ làm vật liệu, Tatami sử dụng cỏ bấc đèn “igusa” hay cói làm vật liệu tạo thành.

Một tấm Tatami được cấu tạo bởi 3 phần:

  1. Tatami Doko (畳床): là phần lõi của Tatami. Theo truyền thống, lõi chiếu được làm từ rơm khô đan ép chặt với nhau. Ngày nay, do việc thu mua rơm trở nên khó khăn, các công đoạn gia công phức tạp, hơn nữa chiếu làm từ rơm cũng khá nặng, dễ sản sinh bọ ve, nấm mốc nên người ta chuyển sang sử dụng ván ép nhân tạo, sợi hóa học thay cho sợi rơm để tăng độ bền và độ cách nhiệt.
  2. Tatami Omote (畳表): là bề mặt của Tatami, khá mỏng, được làm từ cỏ Igusa (cỏ bấc đèn) hay còn gọi là lớp cói.
  3. Tatami Fuchi (畳縁): là phần mép/viền của Tatami. Người Nhật cuốn vải xung quanh mép Tatami để che đi lớp cói. Viền thảm được bọc bằng vải dệt nổi vân hoặc vải trơn thường mang màu xanh lá cây. Nhiều mép thảm còn được nhuộm màu sắc và in hoa văn để tạo vẻ đẹp khác biệt cho căn phòng.

Tatami được làm từ sợi ép có khả năng đàn hồi tốt, tạo cảm giác êm ái khi đi trên đó. Hơn nữa, chúng còn có khả năng cách nhiệt tốt, thích hợp cho việc đi chân trần, ngồi hay nằm trên đó.

Khi còn mới, tatami có màu xanh lá cây nhạt. Nhưng cùng với thời gian, màu sắc phai bạc theo thành màu vàng nhạt. Vì vậy, thường từ 3 đến 5 năm, người ta lại thay lớp chiếu cói bên ngoài một lần.

Lịch sử của “Tatami”

Tên gọi “Tatami” (畳) có nguồn gốc từ động từ “Tatamu” với ý nghĩa là “gấp”, “xếp”, được dùng chỉ chung những vật mỏng dùng để lót, trải, có thể xếp lại được. Tatami có lịch sử rất lâu đời, và được lưu truyền như một nét văn hóa của Nhật Bản trong khoảng 1.300 năm với tấm tatami đầu tiên ở Nhật Bản được cho là có từ thời Nara.

Thời đại Nara bắt đầu từ năm 710 đến năm 794 sau Công nguyên, nổi bật với chùa Đông Đại Tự (東大寺: Todaiji) là một công trình lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và là một điểm du lịch nổi tiếng ở nước ngoài cùng với tượng Đại Phật (大仏:Daibutsu) của tỉnh Nara, chắc hẳn nhiều bạn đã biết.

Tại sao Tatami trở nên phổ biến ở Nhật Bản

Một trong những lý do chính khiến cho tatami trở nên phổ biến ở Nhật Bản là bởi khí hậu của Nhật Bản.

Đặc điểm của khí hậu Nhật Bản là ẩm quanh năm, mùa hè nóng nực và mùa đông lạnh giá. Tatami là vật liệu lót sàn thích hợp cho những vùng có khí hậu này.

Tatami có tác dụng kiểm soát độ ẩm và cách nhiệt tốt. Một tấm Tatami được cho là có thể hút trung bình 500cc hơi nước trong không khí, đến khi phòng ốc quá khô, lượng hơi nước này sẽ được giải phóng ra, giống như cơ chế hoạt động của một chiếc máy hút ẩm – phun ẩm tự nhiên. Ngoài ra, tính khó truyền nhiệt nhờ độ dày của chiếu giúp Tatami có đặc trưng là mùa hè không nóng và mùa đông không lạnh.

Chúng bắt đầu mang những đặc điểm của Tatami hiện đại là vào thời kì Heian (794 – 1185), khi những chiếc chiếu được gia tăng độ dày và được để cố định trên sàn, với công dụng chính là lót chỗ ngủ cho Thiên hoàng và các nhân vật quyền cao chức trọng. Và được phổ cập rộng rãi trong công chúng vào thời kỳ Edo.

Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay, nhu cầu về tatami giảm dần do các căn hộ ở Nhật trở nên phương Tây hóa. Điều này một phần cũng là do chi phí làm một căn phòng kiểu Nhật Bản như chiếu tatami và shoji cao hơn so với một căn phòng kiểu Âu hiện đại.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, người ta đã nghiên cứu để giảm thiểu tối đa những khuyết điểm của loại chiếu này, và giá trị của chiếu tatami đã được nhìn nhận lại. Tại ngôi nhà phong cách Tây Âu ở Nhật vẫn có một căn phòng được thiết kế theo kiểu Washitsu.

Với sự gia tăng số lượng người nước ngoài và du khách nước ngoài sống ở Nhật Bản, số lượng khách sạn và nhà nghỉ có phòng kiểu Nhật sử dụng chiếu tatami ngày càng tăng để họ có thể trải nghiệm văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Văn hóa ứng xử trong phòng kiểu Nhật

Với số lượng phòng trải chiếu tatami giảm kể từ thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao, và thậm chí rất ít người Nhật Bản biết đến cách cư xử của phòng trải chiếu tatami. Nên ngay cả khi một người nước ngoài vi phạm văn hóa cư xử trong phòng tatami, họ cũng có thể không nhận thấy.

Tuy nhiên, những người có liên quan sâu sắc đến văn hóa Nhật Bản truyền thống như trà đạo và cắm hoa, lại cực kỳ coi trọng văn hóa cư xử trong phòng tatami.

Khi tiếp xúc với những người như vậy, nếu bạn biết văn hóa cư xử, bạn sẽ có thể xây dựng một mối quan hệ tốt.

Văn hóa cư xử cơ bản trong phòng Tatami

Một trong những điều cơ bản của văn hóa cư xử trong phòng trải tatami là “không giẫm lên các mép của Tatami.”

Ở phần đầu, chúng tôi đã giới thiệu rằng một tấm Tatami được cấu tạo bởi các cạnh viền (Tatami Fuchi) làm bằng vải với màu sắc và hoa văn khác nhau. Đó là cấu tạo cơ bản của tatami để nhắc mọi người không dẫm lên chúng.

Có nhiều giả thuyết khác nhau cho điều đó, nhưng giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất là mọi người tránh dẫm lên gia huy của chủ nhà.

Trước đây, trong một ngôi nhà Nhật mang đậm phong cách truyền thống, người ta thường thêu gia huy trên mép của tatami. Giẫm lên Tatami Fuchi được coi là một hành động rất thô lỗ, vì nó được cho là giẫm lên biểu tượng của ngôi nhà.

Người ta nói rằng đây là lý do mà nghi thức không bước lên rìa của tatami đã được hình thành. Cũng có giả thuyết cho rằng mọi người không dẫm lên mép của tatami để có thể kéo dài tuổi thọ của chúng.

Cách cư xử trong phòng kiểu Nhật Bản dễ biết

Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu văn hóa cư xử trong những căn phòng kiểu Nhật.

Không dẫm lên bệ cửa

Bệ cửa là ranh giới giữa các phòng. Trong trường hợp phòng kiểu Nhật, có một cửa trượt được gọi là “fusuma 襖”, và phần dưới cửa trượt được gọi là “Shiki-i 敷居”.

Lý do không bước lên bệ cửa cũng giống như lý do không bước lên mép của tấm tatami.

Bệ cửa vốn nằm ở trung tâm của ngôi nhà và được kết nối với cột chính của ngôi nhà. Vì vậy nó được coi là gắn liền với chủ nhân của ngôi nhà. Vì bước lên bệ cửa cũng giống như bước lên người chủ của một gia đình nên việc không được giẫm lên nó được coi là phép tắc.

Không bước lên đệm ngồi Zabuton

Trong phòng trải Tatami, bạn thường ngồi trên một chiếc đệm có tên “座布団 (Zabuton)” thay vì ghế.

Người Nhật thường ngồi xếp bằng hoặc ngồi kiểu quỳ Seiza, thẳng lưng trên đệm Zabuton khi vào phòng trải tatami. Khi ngồi trên đệm, người ta quy định rằng trước tiên phải ngồi thẳng trên mặt đệm, sau đó di chuyển dần đầu gối của bạn lên đệm để ngồi, thay vì giẫm lên.

Ngồi bắt chéo chân là cách ngồi thông thường hơn. Seiza (正座) là cách ngồi chuẩn mực nhất ở Nhật Bản. Bạn phải quỳ gối xuống và ngồi lên hai chân, với hai bàn chân hơi đan chéo dưới mông.

Cách vệ sinh, làm sạch Tatami

Tatami có chức năng chống ẩm, giữ cho căn phòng luôn thông thoáng. Nhưng bên cạnh đó, bản thân chiếu tatami cũng có đặc tính là dễ bị hư hỏng trong môi trường ẩm ướt. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc đúng cách, nó có thể sử dụng trong hàng chục năm.

Sau đây, chúng tôi sẽ mách bạn những cách chăm sóc và vệ sinh thảm tatami cơ bản và những điểm cần lưu ý.

Các phương pháp làm sạch cơ bản cho thảm Tatami

Các phương pháp làm sạch cơ bản cho thảm tatami là “sử dụng máy hút bụi” và “lau bằng vải khô.” Chúng tôi sẽ giới thiệu chúng cùng với các ghi chú.

Sử dụng máy hút bụi

Cách cơ bản để làm sạch tatami là hút bụi. Hãy sử dụng máy hút bụi như đang dọn dẹp một căn phòng lát sàn gỗ.

Điểm cần lưu ý là bạn cần phải hút bụi dọc theo hướng dệt cói của tatami.

Nếu không, bạn có thể làm hỏng cấu trúc bề mặt của tatami và các mép viền của chúng.

Lau bằng vải khô

Tatami có đặc tính là nó dễ dàng hút nước. Vì thế, khi lau, không được dùng giẻ thấm nước mà nên dùng giẻ khô.

Nếu bạn làm đổ đồ uống như nước trái cây hoặc cà phê, nó sẽ gây ra vết ố khó có thể làm sạch. Do đó, hãy cẩn thận khi ăn uống trong phòng trải chiếu tatami.

Nếu bạn vô tình làm đổ đồ uống của mình, hãy lau nó bằng một miếng giẻ hơi ẩm. Lau dọc theo các đường vân của tatami và sau đó lau bằng khăn khô để loại bỏ nước.

Những lưu ý khi sử dụng Tatami

Sau đây, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu những điểm cần lưu ý khi sử dụng tatami.

Không trải thảm lên Tatami

Bản thân Tatami đã có vai trò kiểm soát độ ẩm của căn phòng. Tuy nhiên, nếu bạn trải thảm hoặc lót đệm xốp lên toàn bộ bề mặt sàn, hơi ẩm sẽ không thoát ra được và có thể gây ra bọ ve, nấm mốc.

Vì thế, hãy ghi nhớ: không nên trải thảm lên Tatami.

Không sử dụng Baking Soda

Baking soda thường được dùng để tẩy vết dầu trên bếp và vết bã nhờn trên sàn. Tuy nhiên, hãy tránh sử dụng loại muối nở này lên Tatami.

Baking soda làm cho các thành phần tự nhiên của igusa chuyển sang màu vàng và nó cũng gây ra hiện tượng thâm đen. Nếu bạn muốn loại bỏ bụi bẩn bám trên thảm tatami, hãy sử dụng axit xitric.

Tổng kết

Tatami đã được sử dụng trong các ngôi nhà của người Nhật từ rất lâu đời và là nét văn hóa truyền thống quen thuộc nhất của người Nhật.

Giờ đây, nhiều ngôi nhà được xây dựng với sàn và thiết kế phòng hiện đại theo kiểu phương Tây, nhưng nhiều người Nhật cảm thấy yên bình khi nghỉ ngơi trong phòng trải tatami.

Thoạt nhìn, các quy tắc ứng xử và phương pháp làm sạch Tatami có vẻ khó khăn, nhưng nếu bạn ghi nhớ những điều cơ bản, nó không thực sự quá khó. Khi sử dụng phòng tatami, hãy tham khảo thông tin trong bài viết này.

Nếu bạn đang tìm một ngôi nhà để sống ở Nhật Bản, có thể sẽ rất thú vị khi bạn tìm một căn phòng kiểu Nhật có trải tatami.

Chúng tôi hy vọng rằng thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong cuộc sống hàng ngày tại Nhật. Và nếu bạn bối rối về bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này, hãy để lại bình luận bên dưới.
JP SMART MAGAZINE