Văn hóa

Tìm hiểu về Kimono và Hướng dẫn mặc Kimono đúng cách

Trước khi văn hóa phương Tây du nhập vào Nhật Bản thì Kimono là trang phục truyền thống được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày, là nét tinh hoa trong văn hóa của người dân xứ sở hoa anh đào.

Ngày nay, số người mặc kimono trong đời sống hàng ngày ngày càng giảm, nhưng vẫn có rất nhiều người yêu thích bộ trang phục truyền thống này. Khoác lên mình bộ kimono, người mặc sẽ không khỏi bất ngờ trước vẻ đẹp dịu dàng mà nó mang lại. Với giá trị song song cả về vật chất và văn hóa, nhiều bộ kimono đã được truyền từ đời mẹ sang con gái như một món quà cưới khi cô gái về nhà chồng.

Hãy cùng chúng tôi tìm kiểu về lịch sử, cấu tạo và cách mặc kimono như thế nào nhé.

Lịch sử và Phân loại Kimono

Lịch sử

Kimono (着物) hay còn gọi là Wafuku (和服) với ý nghĩa là “y phục Nhật” là loại y phục truyền thống của Nhật Bản. Kimono không chỉ đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật.

Người Nhật đã sử dụng Kimono trong vài trăm năm. Ban đầu, “Kimono” là một từ tiếng Nhật mang nghĩa là “đồ để mặc – quần áo”. Nhưng trong những năm gần đây, từ này được sử dụng để nói đến bộ quần áo Nhật truyền thống.

Từ thời Nara (710 – 794), Kimono là một bộ y phục mà người Nhật thường mặc gồm phần trên và phần dưới (quần hoặc váy) tách rời hoặc một bộ quần áo liền.

Kimono phát triển rực rỡ nhất là vào thời Heian (794 – 1192), khi các quý tộc khoác trên mình những bộ kimono với độ lộng lẫy khác nhau tùy thuộc vào cấp bậc của họ. Vào thời điểm ngành dệt may phát triển mạnh mẽ, các kỹ thuật đặc trưng, ​​chẳng hạn như kỹ thuật dệt Nishijin (西陣織) và nhuộm Yuzen (友禅染め) ở Kyoto, đã được phát triển và trở thành nét văn hóa truyền thống.

Những bộ kimono thời Heian được may theo công nghệ “cắt đường thẳng” (straight-line-cut) – yêu cầu cắt các mảnh vải theo đường thẳng và khâu chúng lại với nhau đem lại rất nhiều lợi thế cho cả người mặc lẫn người tạo nên chúng. Với công nghệ này, những người làm kimono không còn phải lo lắng về hình dáng của cơ thể người mặc dù họ béo hay gầy, vai vuông hay xuôi,… Hai lợi thế khác là chúng rất dễ gấp và phù hợp với mọi thời tiết. Kimono làm từ chất liệu cottton được mặc ở bên trong để tạo sự ấm áp trong mùa đông còn Kimono làm từ những loại vải mát như lanh lại rất thích hợp cho mùa hè. Những lợi thế này giúp cho kimono trở thành một phần trong cuộc sống của những người dân Nhật.

Qua thời gian, Kimono trở thành thời trang, người Nhật bắt đầu quan tâm đến việc phối hợp những bộ Kimono và họ đã phát triển một độ nhạy cao hơn cho màu sắc. Điển hình, sự kết hợp màu sắc thể hiện màu theo mùa hoặc địa vị chính trị của người mặc.

Vào thời Kamakura (1192 – 1338) và thời Muromachi (1338 – 1573), cả nam lẫn nữ đều mặc những bộ Kimono đầy màu sắc. Các chiến binh mặc những màu sắc tượng trưng cho thủ lĩnh của họ và đôi khi, chiến trường sặc sỡ như một buổi trình diễn thời trang.

Vào thời Edo (1603 – 1868), tộc chiến binh Tokugawa thống trị khắp Nhật Bản. Đất nước bị chia cắt thành các vùng đất phong kiến được các lãnh chúa thống trị. Các samurai của mỗi vùng đất được nhận biết nhờ màu sắc và kiểu mẫu của đồng phục. Chúng gồm có 3 phần: kimono, bộ y phục không tay mặc ngoài kimono (kamishimo) và quần giống váy xẻ (hakama) mà ngày chúng ta có thể thấy các vận động viên tập Kendo (kiếm đạo) thường hay mặc. Kamishimo làm bằng vải lanh, được hồ cứng để làm nổi bật phần vai. Do làm nhiều y phục samurai, tay nghề những nghệ nhân Kimono càng ngày càng cao và làm Kimono dần trở thành một hình thức nghệ thuật. Kimono trở nên có giá trị hơn và các bậc cha mẹ truyền lại cho con cái họ như một vật gia truyền.

Trong thời kì Minh Trị (1868 – 1912), Nhật Bản bị ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nước ngoài. Chính phủ khuyến khích người dân chấp nhận trang phục và tập quán phương Tây. Nhân viên chính phủ và quân đội bị bắt buộc phải mặc trang phục phương Tây cho các sự kiện quan trọng của chính quyền. (Luật này không còn hiệu lực nữa). Đối với các thường dân, khi mặc Kimono đến các sự kiện trang trọng, Kimono phải được gắn thêm huy hiệu gia tộc để nhận biết gia tộc người mặc.

Ngày nay, người Nhật hiếm khi mặc Kimono trong cuộc sống hàng ngày. Họ để dành chúng cho những dịp như đám cưới, đám ma, tiệc trà hay những sự kiện đặc biệt khác như lễ thành nhân, lễ hội mùa hè…

Phân loại Kimono

Về chủng loại, kimono được chia theo hoàn cảnh mặc, chẳng hạn như: 黒留袖 (kuro-tomesode), 振袖 (furisode), 色留袖 (iro-tomesode), 訪問着 (hōmongi), 付け下げ (tsukesage), 色無地 (iro-muji), 小紋 (komon), 浴衣 (yukata) và 喪服 (mofuku).

  • Furisode (振袖): là loại y phục dành cho thiếu nữ còn độc thân, ống tay áo rộng và dài, màu sắc tươi tắn với nhiều hoa văn trang trí trên vải lụa tốt, được dệt thủ công.
  • Tomesode (留袖): là loại kimono thanh lịch nhất và trang trọng nhất dành cho phụ nữ đã lập gia đình, đặc trưng bởi ống tay áo ngắn, phần vạt áo bên dưới có một số hoa văn đơn giản với màu sắc trang nhã. Nó tương ứng với “váy dạ hội” theo phong cách phương Tây, mặc dù bộ kimono này có thể được mặc bất cứ lúc nào trong ngày. Tomesode có màu đen tổng thể được gọi là kuro tomesode (黒留袖) có thêu phù hiệu gia tộc dùng để mặc trong các sự kiện trang trọng như đám cưới của người thân. Và các loại Tomesode có màu khác được gọi là iro tomesode (色留袖).
  • Hōmongi (訪問着): dành cho mọi đối tượng phụ nữ (nhưng thông dụng nhất là phụ nữ đã có gia đình), thường mặc trong tiệc trà, họp mặt người thân hoặc các cuộc viếng thăm theo nghi thức. Màu sắc trang nhã, hoạ tiết trang trí có trên khắp mặt vải nhưng mật độ hoa văn không bằng Furisode.
  • Tsukesage (付け下げ): được mặc trong các buổi tiệc, tiệc trà, cắm hoa và đám cưới của bạn bè. Thường có hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo, đắp ở đỉnh vai, họa tiết trên áo sáng và nổi rõ.
  • Komon (小紋): mặc trong những dịp bình thường, được trang trí toàn bộ bởi các họa tiết nhỏ, nhẹ nhàng.
  • Tsumugi (紬): cũng mặc trong những dịp bình thường nhưng các họa tiết sáng và rõ ràng hơn. Trước đây dành cho tầng lớp thường dân.
  • Yukata (浴衣): loại kimono thông thường, mặc trong mùa hè, thường làm bằng vải cotton với tay áo ngắn. Ngoài ra còn thường được mặc trong các quán trọ truyền thống của Nhật Bản.
  • Shiromuku (白無垢): lễ phục trắng cô dâu mặc trong đám cưới với phần đuôi áo khá dài và toả tròn ra. Màu trắng tượng trưng cho sự bắt đầu của một chuyến đi. Bộ lễ phục này thường đi kèm băng vải trắng trên đầu có tên là tsunokakushi (角隠し).
  • Mofuku (喪服):loại lễ phục tuyền một màu đen, chỉ được dùng để đi đám tang của họ hàng gần.
  • Jūnihitoe (十二ひとえ): tức “mười hai lớp áo” – là loại trang phục dành riêng cho phụ nữ hoàng gia và quý tộc Nhật Bản vào thời Heian. Trên thực tế, số lượng của những lớp áo trong bộ trang phục này chỉ mang tính tương đối gồm một số loại áo kiểu kimono khác nhau.

Chất liệu Kimono còn được phân biệt theo thời tiết :

  • Từ tháng 1 đến tháng 5: do thời tiết lạnh, kimono được sử dụng là loại có vải lót dày bên trong, màu sắc ấm cúng.
  • Từ tháng 6 đến tháng 9: do thời tiết mùa hè nóng, kimono được dùng không có vải lót, màu sắc dịu mát (gọi là hitoe). Trong thời điểm nóng nhất năm, kimono được dùng là loại may bằng vài mát và mỏng nhất.

Phụ nữ Nhật mặc Kimono phổ biến hơn nam giới, với lớp vải có màu và hoa văn nổi bật. Kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn, màu tối và có in gia huy của dòng họ. Màu sắc truyền thống trang trọng nhất là màu đen.

Sự khác biệt giữa Kimono và Yukata

Những người mặc Yukata

Một số người có thể nghĩ rằng kimono và yukata là giống nhau. Thực tế, yukata chỉ là một trong nhiều phân loại kimono mà chúng tôi đã kể đến ở phần trên.

Yukata là một loại kimono đề cao sự thoáng mát vì nó được làm từ các chất liệu nhẹ như cotton, lanh và polyester. Nó trông giống như một bộ kimono, nhưng độ dày của vải và số lớp áo để mặc là khác nhau.

Khi mặc kimono, bạn sẽ cần phải mặc một lớp áo lót được gọi là “襦袢(juban)” bên ngoài đồ nội y. Nhưng với Yukata, bạn có thể mặc trực tiếp nó ra bên ngoài đồ nội y mà không cần phải thêm lớp áo lót nào.

Ngoài ra, trong khi kimono là trang phục lịch sự được sử dụng trong những dịp trang trọng thì yukata lại hoàn toàn ngược lại. Nó tương tự như quần áo mặc trong phòng và đồ ngủ (pyjama) ngày nay. Mọi người thường mặc yukata khi ở nhà hoặc sau khi tắm. Đúng như chữ “浴衣” (yukata) (Y phục tắm) , thời xưa thường mặc Yukata khi tắm bồn ofuro, mặc vào chiều tối mát mẻ và được dùng được làm quần áo ngủ.

Nếu để ý, bạn có thể thấy văn hóa mặc yukata sau khi tắm rất phổ biến ở các khách sạn, nhà trọ và các cơ sở kinh doanh dịch vụ suối nước nóng của Nhật Bản. Nhiều khách sạn cung cấp sẵn những bộ yukata cho khách đặt phòng. Vì vậy nếu bạn thấy chúng được xếp sẵn trong tủ đồ của nơi trọ, hãy thử mặc chúng và tận hưởng không khí thư giãn như một người bản địa nhé.

Vào mùa hè, phụ nữ Nhật có văn hóa mặc yukata tại các lễ hội pháo hoa và các lễ hội mùa hè khác ở Nhật Bản. Hơn nữa, ngày càng có nhiều người nước ngoài yêu thích văn hóa Nhật Bản khoác lên mình những bộ yukata rực rỡ và đi dạo trong thành phố hay ở các địa điểm du lịch.

Hướng dẫn mặc Kimono đúng cách

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng khoảng 70% phụ nữ Nhật Bản hoàn toàn không biết cách mặc kimono, ngay cả khi những thứ này được đặt trước mặt họ.

Trang phục kimono hội tụ tất cả những kĩ thuật công phu, tỉ mỉ, khéo léo mà người thợ muốn gửi gắm. Cũng vì thế mà cách mặc kimono truyền thống Nhật Bản rất phức tạp; và có những nguyên tắc riêng. Để mặc được một bộ kimono hoàn chỉnh không chỉ đòi hỏi người mặc phải thuộc lòng rất nhiều bước; mà còn phải am hiểu ý nghĩa của từng chi tiết nhỏ nhặt.

Cấu tạo của áo kimono truyền thống

Để có thể nắm được cách mặc Kimono một cách chuẩn xác, trước hết bạn cần phải nhớ tên gọi các bộ phận trên Kimono gồm:

Tên gọi các bộ phận trên áo Kimono

Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy có quá nhiều bộ phận và tên gọi khác nhau khiến cho bạn đau đầu. Nhưng để đơn giản nhất, bạn chỉ cần cố gắng ghi nhớ các bộ phận sau:

  • eri (衿): cổ áo,
  • kyo-eri (共衿):vạt nối cổ áo
  • sode (袖): tay áo
  • miyatsuguchi (身八つ口): phần mở nhỏ sát nách của ống tay áo
  • shitamae (下前):chân áo phải
  • uwamae (上前):chân áo trái
  • suso (裾):vạt áo phần chân
  • yuki (裄):phần nửa thân áo tính từ viền cổ tay áo tới đường may dọc sống lưng áo
  • mitake (身丈):chiều dài thân áo, tính từ vai tới “suso”

Tiếp đó là các phần cấu tạo nên 1 bộ kimono hoàn chỉnh, bao gồm:

  • Obi-jime (帯締め) – dây cột trang trí, tạo điểm nhấn cho Obi
  • Date-jime (伊達締め) hay Date-maki (伊達巻き) – dây quấn cố định, gồm 2 sợi.
  • Obi-makura (帯枕) – “gối” luồn phía sau của Obi
  • Vớ Tabi
  • Obi-ita (帯板) – tấm lót tạo dáng phẳng đẹp cho Obi
  • Dây cột Koshi-himo (3 sợi)
  • Obi-age (帯揚げ) – vải trang trí cho Obi
  • Thắt lưng Obi (帯)
  • Đồ lót chuyên dụng Nagajuban (長襦袢)

Ngoài ra còn có các phụ kiện kèm theo như trâm cài đầu, guốc gỗ,…

Hướng dẫn mặc Kimono đúng cách

Tiếp theo, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn mặc Kimono đúng cách.

Mặc Nagajuban

Trước tiên, bạn cần đi tất (vớ) Tabi trước. Vì sẽ rất khó để cúi người sau khi đeo đai lưng (Obi) lên người.

Sau đó là mặc nagajuban. Nagajuban giống như đồ lót, và nó được mặc bên trong áo Kimono.

  1. Giữ cả hai đầu của cổ áo (衿先 Eri-saki) và kéo ra phía trước mặt. Đảm bảo rằng độ dài của hai bên bằng nhau và đường may từ cổ dọc xuống thân áo cũng nằm giữa lưng của bạn.
  2. Giữ cả hai vạt áo bằng một tay và kiểm tra đường may ở mặt lưng bằng tay kia. Tạo khoảng trống giữa cổ áo và cổ của bạn sao cho kích thước bằng nắm tay.
  3. Quấn vạt áo phải (shitamae) vào người trước, sau đó là vạt áo trái (uwamae) tránh làm xô vị trí cổ áo đã chỉnh, sao cho mặt cắt của hai Eri đến chính giữa ngực.
  4. Giữ chính giữa dây quấn cố định (Datejime) bằng tay phải và đưa nó sang trái bằng tay trái.
  5. Quấn nó quanh lưng của bạn, bắt chéo hai bên ở phía sau và đưa hai đầu dây ra phía trước.
  6. Buộc lại một lần và vòng hai đầu dây sang 2 hướng khác nhau.
  7. Nhét các phần cuối dây bên dưới “Datejime” và sửa lại các nếp nhăn ở phía sau lưng áo hình thành do bị buộc lại sao cho phẳng phiu.

Sau khi hoàn thành bước mặc lớp áo lót Nagajuban, chúng ta có thể tiến tới xử lý bước tiếp theo, đó là mặc kimono.

Mặc Kimono

Điều đầu tiên trong cách mặc kimono là đảm bảo rằng tay áo của “Nagajuban” nằm đúng bên trong tay áo của Kimono. Lúc này, nếu bạn chồng cổ áo của “Nagajuban” với cổ của “Kimono” và cố định bằng kẹp ghim, bạn có thể ngăn áo kimono lệch khỏi vai hoặc lệch tâm lưng.

Nguồn: hana-usagi

Điều thứ hai trong cách mặc kimono là bạn cần điều chỉnh độ dài của Kimono bằng cách kéo mặt phải của Kimono lên cho đến khi cách mép sàn 1-2 cm. Sau đó cuốn cánh áo phải “shitamae” vào người sao cho đường viền “tsumashita” của nó phải thẳng hàng với “wakisen” đường may phần hông bên trái của bạn. Và làm tương tự với cánh áo trái “uwamae”.

Nguồn: hana-usagi

Bây giờ bạn dùng “Koshi-himo” buộc quanh eo theo cách mà bạn cố định “Nagajuban”

Nguồn: hana-usagi

và kéo phẳng áo phần vải thừa phía trên đai buộc từ lớp trong của bên phải, sang lớp ngoài ở bên trái. Làm phẳng mọi nếp nhăn. Kiểm tra xem viền có đều không và cổ áo có nằm khít với vị trí của Nagajuban không. Chú ý điều chỉnh sao cho viền dưới của lớp vải thừa nằm ngang bụng.

Nguồn: hana-usagi

Tiếp đến, bạn dùng “Koshi-himo” cột cố định áo kimono theo các bước như đã làm ở trên. Kéo đường may sau lưng xuống và kéo sang hai bên để làm phẳng các nếp nhăn trên lưng. Căn chỉnh “miyatsuguchi ” ở cả hai bên. Nhưng ở phần này, bạn lưu ý: điều chỉnh phần vải thừa phía dưới dây cột (gọi là: おはしょり Ohashori) bằng cách kéo đều lớp vải lên sao cho nó có độ rộng đẹp mắt tiêu chuẩn, trong khoảng từ 5-7cm.

Nguồn: hana-usagi

Cuối cùng, là đặt “datejme” ra ngoài phần Ohashori và buộc lại giống như khi mặc Nagajuban.

Nguồn: hana-usagi

Tới đây thì bạn sắp hoàn thành, chỉ cần đặt obi vào bộ kimono của bạn và chúng ta đã xong các bước mặc một bộ Kimono hoàn chỉnh.

Hiện nay, nhiều người mặc furisode trong lễ trưởng thành và đám cưới với hình dáng cầu kỳ và nhiều kiểu cách. Trong trường hợp kimono không phải là furisode, khối lượng của obi không quá nhiều và hình dạng của nút thắt sau lưng gần giống như một hình vuông.

Những nơi bạn có thể thuê và mặc thử kimono

Có rất nhiều cửa hàng dịch vụ nơi bạn có thể thuê và mặc kimono quanh Asakusa ở Tokyo và thành phố Kyoto hoặc thành phố Nara.

Nếu bạn cảm thấy việc mua kimono là một quyết định tốn kém hoặc khó tự mặc chúng thì bạn nên thử qua các dịch vụ này.

Rika-Wafuku (梨花和服)

Cửa hàng chính của Rika-Wafuku nằm ở cố đô Kyoto, nhưng họ cũng có các cửa hàng ở Asakusa, Tokyo. Ngoài dịch vụ cho thuê kimono, gói trang điểm-làm tóc và gói dịch vụ cho các cặp đôi cũng có sẵn.

Nhân viên của Rika-Wafuku có thể nói tiếng Anh, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, vì vậy bạn sẽ có thể thoải mái thuê đồ mà không cần phải lo lắng nhiều nếu không biết tiếng Nhật.

Waraku (和楽)

Là một cửa hàng cho thuê kimono ở Asakusa, có cả người nước ngoài. Waraku có sẵn một loạt các gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu của bạn, chẳng hạn như thuê theo nhóm nhóm hay cặp đôi.

Uruwashiki (うるわしき)

Uruwashiki là cửa hàng cho thuê kimono gần Fushimi Inari – ngôi đền cáo nổi tiếng cố đô Kyoto, được rất nhiều người nước ngoài ghé thăm. Họ cũng mở các lớp học mặc kimono cho người nước ngoài với giáo viên là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai có niềm đam mê và sự yêu thích với loại trang phục truyền thống này.

Không chỉ người nước ngoài mà người Nhật cũng thuê kimono và dạo phố. Do đó, nếu bạn tìm kiếm trên Internet, có rất nhiều cửa hàng cho thuê và may kimono ở mọi thị trấn. Ngoài ra còn có một lợi thế khi đăng ký gói dịch vụ ở đây, là bạn sẽ được tặng kèm chi phí trang điểm làm tóc và một buổi chụp hình.

Tổng kết

Vậy là chúng tôi đã giới thiệu tới bạn đọc những thông tin thú vị về Kimono – một nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản và là loại trang phục đi theo chiều dài lịch sử. Nó rất đẹp, ấn tượng và giá cả của nó thay đổi rất nhiều chỉ với một lần nhuộm và thêu hoa văn lên vải.

Ngày nay, mặc dù người Nhật thường mặc trang phục phương Tây nhưng kimono truyền thống vẫn được nhiều người yêu thích. Lý do khiến kimono được nhiều người yêu thích không chỉ vì vẻ đẹp mà Kimono có thể thích nghi với văn hóa Nhật Bản. Đó cũng là một trong những lí do vì sao từ “Kimono” đã được quốc tế hóa và được sử dụng trên toàn thế giới.

Chúng tôi hy vọng rằng thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong cuộc sống hàng ngày tại Nhật. Và nếu bạn bối rối về bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này, hãy để lại bình luận bên dưới.
JP SMART MAGAZINE