Về Nhật Bản

Đăng ký Visa Nhật: visa du học, visa đi làm và visa working holiday

japan visa

Xin cấp visa (thị thực) là điều cần thiết cho đa số người nước ngoài muốn tới Nhật Bản.

Bài viết này chúng tôi sẽ giải thích cách đăng ký xin cấp visa của 3 loại phổ biến nhất là: du học, lao động và lao động trong kỳ nghỉ (working holiday). Nếu bạn có dự định nộp đơn xin visa Nhật, xin vui lòng tham khảo nó.

Visa du học

student from overseas

Như tên gọi của nó, visa du học (留学ビザ Ryugaku biza) là thị thực cấp cho những người nước ngoài muốn theo học tại các cơ sở giáo dục ở Nhật như trường tiếng, trường senmon và trường đại học.

Nếu bạn nhận được visa du học, bạn có thể ở lại Nhật Bản trong thời gian: 4 năm và 3 tháng, 4 năm, 3 năm và 3 tháng, 3 năm, 2 năm và 3 tháng, 2 năm, 1 năm và 3 tháng, 1 năm, 6 tháng, hoặc 3 tháng.

Trình tự thủ tục xin visa du học

  • Bước 1: Nộp hồ sơ đầy đủ đã chuẩn bị trước cho cục xuất nhập cảnh.
  • Bước 2: Cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn (COE).
  • Bước 3: Xin thị thực (visa).
  • Bước 4: Thông báo kết quả.

Theo quy định, trước khi xin loại visa này bạn cần xin “Giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú (COE)” từ Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Nhật Bản. Thông tin liên lạc hoặc chi tiết thủ tục xin tham khảo tại đây.

Từ tháng 9 năm 2018, Đại sứ quán Nhật Bản thống nhất trường hợp cá nhân có “Giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú” sẽ nộp hồ sơ qua Đại lý ủy thác được Đại sứ quán chỉ định.

Thời gian bắt đầuTừ ngày 3 tháng 9 năm 2018 (thứ Hai)
Đối tượngNgười xin visa là cá nhân có Giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú
Trường hợp xin theo đoàn của công ty du học, công ty xuất khẩu lao động được chính phủ Việt Nam chứng nhận và đoàn của công ty nộp cho nhân viên trực thuộc thì vẫn như thường lệ, vẫn được nộp trực tiếp ở cửa sổ lãnh sự.
Cửa sổ tiếp nhậnĐại lý ủy thác do Đại sứ quán chỉ định (tổng 13 công ty, danh sách tại đây)
Thời gian xét duyệt tiêu chuẩn5 ngày làm việc

Mỗi loại visa sẽ có giới hạn hoạt động tại Nhật Bản riêng. Vì thế bạn cần chú ý, trong trường hợp visa du học, ngoài hoạt động liên quan tới học tập giáo dục tại cơ sở đào tạo được Cục Xuất Nhập Cảnh quản lý, bạn chỉ được phép làm thêm ngoài giờ tối đa 28 tiếng/tuần trong thời gian đi học và tối đa 40 tiếng/tuần trong các kỳ nghỉ dài (trên 1 tháng).

Việc cấp phép cho hoạt động làm thêm sẽ được cấp bằng cách đóng dấu vào mặt sau của Thẻ Cư Trú (在留カード) khi bạn nhập cảnh vào Nhật Bản. Nếu sau khi nhập cảnh, và nhận Thẻ Cư Trú mà bạn vẫn chưa được đóng dấu cho phép làm thêm, hãy tới Cục Quản Lý XNC gần nhất để làm thủ tục đăng ký xin tư cách.

Hồ sơ xin cấp visa

Để xin visa du học, bạn sẽ cần những giấy tờ sau đây:

  • Hộ chiếu còn hiệu lực
  • Đơn xin cấp thị thực
  • Ảnh thẻ nền trắng 4,5×4,5cm (chụp trong vòng 6 tháng trở lại)
  • Giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú COE (bản gốc và bản sao)
  • Giấy phép nhập học (bản gốc và bản sao)
  • Bằng tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học (bản gốc và bản sao)
  • Bảng điểm tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học hoặc trung cấp (bản gốc và bản sao)
  • Chứng minh thư nhân dân bản sao có công chứng
  • Sổ hộ khẩu bản sao có công chứng
  • Giấy tờ về người bảo lãnh nếu có
  • Đơn cam kết bảo trợ tài chính
  • Chứng minh thư nhân dân của người bảo lãnh

Theo quy trình xin visa du học Nhật, sau khi hoàn thành hồ sơ bạn sẽ phải nộp hồ sơ tại Đại sứ quán Nhật. Theo hai địa chỉ sau:

  • Đối với những ai sống tại tỉnh Gia Lai và Bình Định trở ra Bắc nộp tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Địa chỉ: 27 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Những ai sống tại tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên trở và khu vực miền Nam sẽ nộp tại Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh. Địa chỉ: 261 Điện Biên Phủ, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh

Chú ý khi nộp hồ sơ xin visa du học

Quy trình xin visa du học Nhật Bản nộp hồ sơ tại địa điểm đã quy định. Thế nhưng toàn bộ hồ sơ phải nộp trực tiếp. Đối với hồ sơ nộp qua đường bưu điện không được thụ lý và xét duyệt. Trừ những giấy tờ bổ sung có thể chuyển fax.

Không được nộp hồ sơ xin visa qua đường bưu điện
Không được nộp hồ sơ xin visa qua đường bưu điện

Thời gian tiếp nhận hồ sơ vào thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Thời gian tiếp nhận hồ sơ là 8h30 đến 11h30. Ngoài ra, vào những ngày nghỉ lễ Đại sứ quán cũng nghỉ làm việc và không tiếp nhận hồ sơ.

Khi nộp hồ sơ bạn phải mang chứng minh thư nhân dân. Chỉ những ai có chứng minh thư mới đủ điều kiện ra vào Đại sứ quán. Sau khi nộp hồ sơ, Đại sứ quán sẽ công bố luôn những giấy tờ còn thiếu để bạn bổ sung thêm. Ngoài ra, nộp hồ sơ xin visa có mất phí. Khoản phí này không được hoàn lại khi trượt visa.

Để biết chi tiết, xin vui lòng tham khảo thêm thông tin tại trang dưới đây.

Visa lao động

expat

Người nước ngoài muốn làm việc tại Nhật cần có visa lao động từ đại sứ quán hoặc lãnh sứ quán Nhật nước sở tại cấp để có thể nhập cảnh vào Nhật Bản dưới dạng visa được phép lao động. Hiện visa lao động được chia thành 2 loại visa sau:

  • Visa nhân lực chất lượng cao
    • Visa công việc chuyên môn chất lượng cao số 1
    • Visa công việc chuyên môn chất lượng cao số 2
  • Visa lao động phổ thông
    • Giáo sư (Ví dụ: Giảng viên đại học,…)
    • Nghệ sĩ (Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn,…)
    • Hoạt động tôn giáo (Tăng lữ, Giáo sĩ…)
    • Truyền thông (Phóng viên, kí giả, người quay phim…)
    • Kinh doanh-đầu tư (Nhà kinh doanh, người quản lý, chủ doanh nghiệp…)
    • Pháp luật – Nghiệp vụ kế toán (Luật sư, kế toán, kiểm toán viên,…)
    • Y tế (Bác sĩ, hộ lý, nhân viên điều dưỡng được cấp chứng chỉ của Nhật)
    • Nghiên cứu (Các nhà nghiên cứu của cơ quan chính phủ, công ty tư nhân,…)
    • Giáo viên (Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, v.v…)
    • Kĩ thuật/Tri thức nhân văn/Nghiệp vụ quốc tế (Kĩ sư, nhân viên marketing, giáo viên dạy ngoại ngữ,…)
    • Công tác nội bộ (Nhân viên của các công ty nước ngoài công tác tại Nhật)
    • Chăm sóc điều dưỡng (Nhân viên điều dưỡng được cấp chứng chỉ)
    • Giải trí (Diễn viên, ca sĩ, vận động viên, v.v.)
    • Lao động lành nghề (Đầu bếp chuyên về các món ăn của nước ngoài, huấn luyện viên,v.v.)
    • Kỹ năng đặc định (Những người tham gia vào các ngành đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao)
    • Thực tập sinh kỹ thuật

Tham khảo: Work or Long-term stay | Ministry of Foreign Affairs of Japan (English)

Thời gian lưu trú dành cho những người xin cấp loại visa lao động này bao gồm:5 năm, 3 năm, 1 năm, 4 tháng (chỉ dành cho người quản lý doanh nghiệp) hoặc 3 tháng, nhưng visa Kỹ Năng Đặc Định sẽ được cấp visa theo khoảng thời gian lưu trú khác.

Hồ sơ xin cấp visa

Hồ sơ cần chuẩn bị sẽ khác nhau tùy thuộc vào quốc tịch và mục đích, nhưng nói chung, bạn cần những loại tài liệu sau đây:

  • Hộ chiếu còn hiệu lực
  • Tờ khai xin cấp Visa
  • Ảnh thẻ nền trắng 4.5 x 4.5 (Ảnh mới không quá 3 tháng)
  • Giấy chứng nhận tư cách lưu trú (Bản gốc + Bản Copy).
  • Hợp đồng lao động bản gốc.
  • Thông báo tuyển dụng.

Để xin visa lao động, bạn sẽ cần phải nộp đơn xin tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Nhật Bản gần nhất ở khu vực bạn sinh sống. Ngoài việc nộp các tài liệu cần thiết, bạn cũng có thể cần phải có một cuộc phỏng vấn. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần gửi thêm tài liệu bổ sung, nên hãy chuẩn bị sẵn.

Khi được cấp visa, bạn cần phải nhập cảnh vào Nhật Bản trong vòng 3 tháng kể từ khi nhận được kết quả. Thời gian từ khi nộp đơn đến khi phát hành tương đối dài, từ 1 đến 3 tháng, vì vậy hãy chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, kỹ càng trước 1 tháng để tránh các vấn đề rủi ro.

Visa lao động trong kỳ nghỉ

working holiday

Tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu visa làm việc trong kỳ nghỉ.

Chương trình Working holiday (làm việc trong kì nghỉ) là chương trình hợp tác giữa các quốc gia cho phép các bạn trẻ đi nghỉ dài và có thể làm việc giảm nhẹ mức chi phí cư trú tại một quốc gia khác. Đây không chỉ là cơ hội được sống tại nước ngoài mà còn mang đến cho những người tham gia vốn kiến thức quý báu về cuộc sống cũng như văn hóa các nước khác. Cho đến thời điểm năm 2020, Nhật Bản đã kí kết thỏa thuận về chương trình Working Holiday với 26 chính phủ khác, hàng năm có hơn 1 vạn lượt người thuộc khắp các quốc gia trên thế giới đến Nhật tận hưởng kì nghỉ theo chương trình Working holiday.

Mục đích chính của chương trình là nghỉ ngơi, do đó chương trình visa này không phù hợp với những đối tượng có ý định dành thời gian chính cho các hoạt động việc làm.

Những người sang Nhật theo Visa Working Holiday không được phép làm việc tại những tổ chức kinh doanh giải trí không phù hợp với thuần phong mỹ tục như: quán Bar, sàn nhảy, câu lạc bộ đêm hay các sòng bài. Trường hợp vi phạm có thể bị trục xuất về nước đồng thời chủ các cơ sở nói trên có thể sẽ bị cáo buộc phạm tội theo luật pháp.

Điều kiện để được cấp visa Working Holidays như sau:

  • Là công dân / cư dân của đất nước / khu vực nằm trong chương trình liên kết
  • Có ý định dành kỳ nghỉ chủ yếu ở quốc gia / khu vực đối tác với Nhật
  • Độ tuổi tại thời điểm xin visa là 18 – 30 tuổi (một số khu vực có giới hạn độ tuổi khác nhau)
  • Không đi cùng trẻ em hoặc người phụ thuộc
  • Có hộ chiếu hợp lệ và vé máy bay khứ hồi hoặc chi phí để mua nó
  • Có đủ tiền cho chi phí sinh hoạt khi bắt đầu ở lại Nhật Bản
  • Sức khỏe tốt
  • Chưa bao giờ được cấp visa working holiday tại Nhật

Nếu bạn đáp ứng các yêu cầu, về cơ bản thì hồ sơ của bạn sẽ được thông qua. Nhưng nó chỉ được cấp một lần và không thể gia hạn.

Hồ sơ xin cấp visa

Để xin Visa làm việc trong kỳ nghỉ, vui lòng làm theo các thủ tục tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Nhật Bản gần nhất tại quốc gia bạn sinh sống. Nói chung, các tài liệu sau là bắt buộc.

  • Hộ chiếu còn hiệu lực
  • Tờ khai xin cấp Visa
  • Ảnh thẻ nền trắng 4.5 x 4.5 (Ảnh mới không quá 3 tháng)
  • Bản chứng minh tài chính (sổ ngân hàng, sổ tiết kiệm, v.v)

Kể từ tháng 4 năm 2020, Nhật Bản đã giới thiệu một hệ thống visa làm việc trong kỳ nghỉ giữa 26 quốc gia và khu vực sau đây. Số trong () là năm khi hệ thống được khởi động.

Úc (1980), New Zealand (1985), Canada (1986), Hàn Quốc (1999), Pháp (2000), Đức (2000), Vương quốc Anh (2001), Ireland (2007), Đan Mạch (2007), Đài Loan ( 2009), Hồng Kông (2010), Na Uy (2013), Bồ Đào Nha (2015), Ba Lan (2015), Slovakia (2016), Áo (2016), Hungary (2017), Tây Ban Nha (2017), Argentina (2017), Chile (2018), Iceland (2018), Cộng hòa Séc (2018), Litva (2019), Thụy Điển (2020), Estonia (2020), Hà Lan (2020)

Tổng kết

Lần này, chúng tôi đã giải thích về ba loại visa lưu trú trong trung và dài hạn phổ biến với người nước ngoài ở Nhật Bản. Mỗi loại visa có đặc điểm hoạt động và tư cách lưu trú khác nhau.

So với visa du học và visa lao động thì có vẻ như visa làm việc trong kỳ nghỉ (working holiday) tương đối linh hoạt trong các hoạt động tại Nhật. Tuy nhiên loại visa này không được áp dụng với cư dân có quốc tịch Việt Nam. Hi vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có đủ tư cách để được áp dụng loại visa này để người Việt có thể có nhiều cơ hội hơn khi hoạt động tại Nhật.

Quy trình và thủ tục xin cấp thị thực thường mất nhiều thời gian từ lúc nộp đơn đến khi được cấp visa. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn có đủ thời gian để chuẩn bị các giấy tờ và hồ sơ cần thiết nhé.

Chúng tôi hy vọng rằng thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong cuộc sống hàng ngày tại Nhật. Và nếu bạn bối rối về bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này, hãy để lại bình luận bên dưới.
JP SMART MAGAZINE
タイトルとURLをコピーしました