Trong thời gian lưu trú

Khám chữa bệnh ở Nhật

Chân ướt chân ráo tới Nhật, mọi thứ đều trở nên lạ lẫm đối với bạn, từ ngôn ngữ, văn hóa, cách làm việc, cho tới môi trường sống xung quanh.

Không như ở Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng tới bất kỳ hiệu thuốc nào để mua thuốc đặc trị nếu chẳng may bị các triệu chứng bệnh thông thường như cảm mạo, dị ứng, đau đầu, khó tiêu,v.v. Thì ở Nhật, bạn chỉ có thể mua thuốc khi được kê đơn từ bác sĩ. Hơn nữa, các sản phẩm thuốc đại trà bán ở các ドラックストア (Drugs Store) vừa có giá thành cao lại không thực sự hiệu quả.

Những chấn thương hoặc bệnh tật đột ngột có thể khiến bạn phải đến bệnh viện, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn có đủ thông tin cần thiết để có thể tiếp cận hỗ trợ y tế bất cứ lúc nào.

Quy trình khám bệnh ở Nhật

Sau đây, chúng tôi sẽ giải thích các thủ tục chung khi đến tư vấn và khám chữa tại bệnh viện ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ giải thích những điểm cần lưu ý khi đến bệnh viện. Chẳng hạn như Giấy tờ cần phải mang theo, Phí thăm khám ban đầu và Phí điều trị theo yêu cầu.

Hơn thế nữa, trong bài này chúng tôi cũng sẽ tổng hợp một số từ vựng quan trọng liên quan đến các loại bệnh, các khoa khám bệnh và một số tên gọi của các loại thuốc để giúp các bạn cảm thấy thoải mái hơn khi đi khám bệnh hay mua thuốc.

Đặt lịch hẹn

Để được khám bệnh, bạn cần phải đặt lịch hẹn với phòng khám hoặc bệnh viện trước nếu không muốn phải xếp hàng chờ đợi dài cổ. Hoặc thiếu may mắn hơn là bạn phải đi về vì đã sát giờ đóng cửa của họ. Một số bệnh viện sẽ không thể tiếp nhận điều trị cho bạn nếu không đặt chỗ trước và có giấy giới thiệu của phòng khám. Vì vậy tốt nhất là bạn hãy gọi điện cho họ trước để sắp xếp.

Nếu không tự tin vào khả năng ngoại ngữ của mình, bạn có thể thử lên trực tiếp trang web của phòng khám/bệnh viện để đặt lịch hẹn trực tuyến.

Cú pháp để tìm kiếm thông tin khoa điều trị và bệnh viện/phòng khám gần nhất là: khoa điều trị 」+「 病院 (bệnh viện)・クリニック (phòng khám) 」+「 tên ga hoặc thành phố nơi bạn sinh sống

Trình tự khám bệnh

Những vật dụng cần mang theo khi đi khám bệnh

  • Thẻ bảo hiểm y tế quốc dân/ Thẻ bảo hiểm y tế xã hội
    (国民健康保険証・社会健康保険証 けんこうほけんしょう)
  • Thẻ khám bệnh(診察券 Shinsatsu-ken
  • Giấy đặt chỗ (予約票 Yoyaku-hyō ) nếu có
  • Giấy giới thiệu (紹介状 Shōkaijō) nếu có
  • Tiền mặt (Hầu hết các bệnh viện không thể thanh toán bằng thẻ tín dụng)
  • Sổ tay thuốc (おくすり手帳 Okusuritechō)

Đối với thăm khám bệnh thông thường, tốt nhất bạn hãy mang theo Thẻ bảo hiểm để giảm thiểu tối đa chi phí tư vấn và điều trị phải thanh toán. Nếu không có thẻ bảo hiểm, bạn sẽ phải chịu toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Đối với Thẻ khám bệnh (hay còn gọi là Thẻ đăng ký bệnh nhân), bạn sẽ nhận được nó khi bạn đến phòng khám/bệnh viện lần đầu tiên. Đừng quên mang theo bên mình khi bạn tới tái khám vào lần tiếp theo nhé.

Hình ảnh minh họa về Thẻ Khám Bệnh
Nguồn:Takayama Red Cross Hospital Official Website

Làm thủ tục đăng ký

Vào ngày hẹn khám đã đặt trước, bạn hãy đến sớm trước 5 phút để hoàn tất thủ tục đăng ký. Lúc này, bạn cần phải xuất trình Thẻ bảo hiểm (保険証 Hoken-shō) và Thẻ khám bệnh (診察券 Shinsatsu-ken) nếu có.

Nếu đây là đầu tiên bạn đến để thăm khám, hãy nói với nhân viên tiếp tân là: “初診です Shoshin desu” (Tôi đến khám lần đầu) và xuất trình thẻ bảo hiểm. Bạn sẽ được nhận Phiếu điều tra tình trạng sức khoẻ (診療申込書 Shinryō mōshikomisho・ 問診票 もんしんひょう) và cần điền đầy đủ thông tin được in trên giấy đó. Phiếu điều tra sức khoẻ này giúp cho bác sỹ có thể nắm được thông tin về sức khoẻ cũng như thể trạng của người bạn.

Sau khi điền thông tin vào phiếu điều tra được phát, bạn hãy nộp lại cho nhân viên quầy làm thủ tục và giữ yên lặng tại phòng chờ cho đến khi được gọi tên để tránh làm ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác.

Để biết thêm thông tin về bảo hiểm y tế tại Nhật Bản, vui lòng xem thêm tại ĐÂY.

Sẽ thuận tiện hơn nếu bạn tìm hiểu và ghi sẵn ra sổ tay các từ vựng tiếng Nhật về triệu chứng và tiền sử trị liệu của bạn theo mục sau:

  • Tiền sử dị ứng (アレルギー歴 Arerugī-reki)
  • Tình trạng thể chất hiện tại và các triệu chứng (現在の体調と症状)
  • Tiền sử bệnh (病歴 Byōreki)
  • Các loại thuốc hiện đang sử dụng (服用中の薬 Fukuyō-chū no kusuri)

Khám bệnh

Khi bác sĩ hoặc y tá gọi tên bạn, bạn sẽ vào phòng khám và được bác sĩ tư vấn. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tình trạng thể chất và các triệu chứng của bạn.

Sau đó, tùy thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bị đau, khó chịu của bạn và có thể cần thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm X-quang, xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra MRI. Vì vậy hãy mặc trang phục đơn giản để có thể dễ dàng thay đồ để khám bệnh kỹ hơn khi cần thiết nhé.

Sau khi kiểm tra hoàn tất, bác sĩ sẽ kê đơn và giải thích từng tác dụng đối với triệu chứng mà thuốc đặc trị.

Thanh toán chi phí

Nếu không còn thắc mắc hay yêu cầu nào, bạn sẽ được bác sĩ dặn quay trở lại phòng chờ. Khi nhân viên gọi tên của bạn, hãy chuẩn bị tiền mặt (có vài nơi chấp nhận thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử) đến quầy thanh toán.

Nếu bác sĩ đã dặn bạn quay trở lại để tái khám, thì bạn cũng có thể đặt lịch hẹn trực tiếp tại quầy vào thời điểm này.

Nhận thuốc

Khi thanh toán chi phí bạn sẽ nhận được đơn thuốc (処方箋 Shohōsen). Bạn cầm đơn thuốc này và đi đến quầy/cửa hàng thuốc để nhận thuốc (thường có gắn biển 処方せん dễ dàng nhận biết). Tiền thuốc bạn phải trả riêng cho nhà thuốc. Cũng có bệnh viện có nhà thuốc ngay trong bệnh viện và chi phí thuốc đã được tính vào hóa đơn thanh toán sau khi khám bệnh.

Tùy theo bệnh viện/phòng khám nơi bạn tới, có 2 cách để mua thuốc theo đơn mà bác sĩ kê cho bạn.

Quầy thuốc trong bệnh viện (院内処方 Innai shohō )

Vì cửa hàng thuốc nằm ngay trong bệnh viện nên các thông tin của bạn đã được lưu lại vào hệ thống. Do đó, bạn chỉ cần cầm đơn thuốc ra quầy để nhận thuốc và thanh toán (nếu chi phí thuốc chưa được tính vào hóa đơn khám bệnh).

Cửa hàng thuốc ngoài bệnh viện (院外処方 Ingai shohō )

Đối với các cửa hàng thuốc ngoài bệnh viện/phòng khám, bạn sẽ được nhân viên lễ tân hướng dẫn cách đi hoặc địa chỉ tới nhà thuốc gần nhất. Khi tới nơi, bạn đưa toa thuốc đã nhận được từ bệnh viện cho dược sĩ cùng với Thẻ bảo hiểm và Sổ tay thuốc. Cuốn sổ này sẽ ghi lại lịch sử khám bệnh và sử dụng thuốc của bạn, giúp bác sĩ biết về các bệnh bạn đã từng mắc phải và các loại thuốc bạn đã dùng có tác dụng tốt hay có bị dị ứng hay không. Do đó, nếu chưa có sổ tay thì bạn hãy nói với dược sĩ để được phát mới, miễn phí tại quầy nhé.

Ngoài ra bạn sẽ phải trả lời thông tin phiếu điều tra (thông tin cơ bản về bạn và các tiền sử bệnh, dị ứng thuốc có hay không).

Dựa vào bảng kê đơn của bác sỹ thì các dược sĩ sẽ chuẩn bị thuốc cho bạn. Khi nhân viên gọi tên của bạn, xin vui lòng nhận thuốc của bạn và thanh toán tại quầy.

Hình minh họa sổ tay thuốc
Nguồn: NIHON CHOUZAI Official Website

Tại thời điểm bạn nhận được thuốc, dược sĩ sẽ hướng dẫn cách dùng thuốc và tần suất bạn sẽ dùng thuốc. Bạn có thể lấy giấy bút ghi lại ngay nếu sợ quên hoặc không nhớ từ vựng.

Về “Phí khám lần đầu” (初診料 Shoshinryō)

Ở Nhật Bản, bạn sẽ phải chịu một khoản phí bắt buộc gọi là “Phí khám lần đầu” và “Phí tái khám”. Đây là các khoản phí y tế được quy định bởi hệ thống phí y tế và bắt buộc phải thanh toán khi bạn tới bệnh viện.

“Phí khám lần đầu” sẽ cao hơn “Phí tái khám” nếu bạn tới khám, chữa bệnh tại cùng một bệnh viện.

Vì vậy, lần đầu tiên đi khám bệnh sẽ hơi tốn kém một chút.

Về “Phí điều trị chỉ định”

Nói một cách đơn giản, đây là khoản phụ phí mà bạn sẽ phải chịu nếu không có “thư giới thiệu” từ một bệnh viện hoặc phòng khám khác trong lần khám đầu tiên tại một bệnh viện lớn như Bệnh Viện Đại Học hoặc Bệnh Viện Hỗ Trợ Y Tế Khu Vực có sức chứa trên 200 giường. Nó là hệ thống chi phí được đặt ra để san sẻ gánh nặng chuyên môn giữa các bệnh viện.

Khoản phí này sẽ là 5.000 yên (3.000 yên cho nha khoa) trở lên trong lần khám đầu tiên và 2.500 yên (1.500 yên cho nha khoa) hoặc nhiều hơn cho lần tái khám tiếp theo, tách biệt với phí khám bệnh.

Nếu bạn chỉ khám bệnh tại bệnh viện nhỏ, hoặc phòng khám địa phương thì không cần phải lo lắng về việc thanh toán khoản phí này.

Từ vựng cần biết khi đi khám bệnh

Dưới đây là danh sách các từ tiếng Nhật thường được sử dụng trong bệnh viện và ý nghĩa của chúng. Vui lòng sử dụng nó như một tài liệu tham khảo khi đi khám bệnh.

Các khoa chẩn đoán bệnh

Tiếng nhậtPhát âmTiếng Việt
内科NaikaKhoa nội
外科GekaKhoa ngoại
整形外科SeikeigekaKhoa chỉnh hình
小児科ShōnikaKhoa nhi
耳鼻咽喉科JibiinkōkaKhoa tai mũi họng
皮膚科HifukaKhoa da liễu
脳神経外科Nōshinkei-gekaKhoa phẫu thuật thần kinh sọ não
精神科SeishinkaKhoa tâm thần
産婦人科SanfujinkaPhụ khoa
泌尿器科HinyōkikaKhoa tiết niệu
眼科GankaKhoa mắt
歯科ShikaKhoa răng
男性科Dansei kaNam khoa

Tên một số bệnh / Triệu chứng

Tiếng nhật Phát âmTiếng Việt
風邪KazeCảm lạnh
インフルエンザInfuruenzaCảm cúm
胃腸炎Ichō-enViêm ruột
胃潰瘍IkaiyouViêm loét dạ dày
骨折KossetsuGãy xương
捻挫NenzaBong gân
肺炎HaienViêm phổi
肝炎 Kan enViêm gan
糖尿病Tōnyō-byōTiểu đường
がんGanUng thư
栄養失調EiyōshitchōSuy dinh dưỡng
過労KarōLàm việc quá sức
口内炎KōnaienNhiệt miệng
高血圧KōketsuatsuHuyết áp cao
貧血HinketsuThiếu máu
JiBệnh trĩ
便秘BempiTáo bón
喘息ZensokuHen suyễn
副鼻腔炎FukubikōenViêm xoang
花粉アレルギーKafun arerugīDị ứng phấn hoa

Những câu thường dùng khi khám bệnh

Tiếng NhậtPhát âmTiếng Việt
本日はどうされましたか?Honjitsu wa dō saremashita ka?Hôm nay bạn thấy thế nào/có vấn đề gì?
症状はいつから出ていますか?Shōjō wa itsu kara dete imasu ka?Triệu chứng bắt đầu từ khi nào?
診察券はお持ちですか?Shinsatsu-ken wa o mochidesu ka?Bạn có Thẻ khám bệnh không?
保険証はお持ちですか?Hoken-shō wa o mochidesu ka?Bạn có Thẻ bảo hiểm y tế không?
処方箋を出しますね。Shohōsen o dashimasu ne.Tôi sẽ kê một số loại thuốc cho bạn.
血液検査を受けてください。Ketsueki kensa o ukete kudasai.Xin hãy thực hiện xét nghiệm máu.
レントゲンを撮ります。Rentogen o torimasu.Chúng tôi sẽ chụp X-quang.
心臓の音を聞かせてください。Shinzō no oto o kika sete kudasai.Xin hãy để tôi kiểm tra nhịp tim của bạn.
熱(ねつ)があります。Netsu ga arimasu Tôi bị sốt.
アレルギーがありますArerugi ga arimasuTôi bị dị ứng.
食欲(しょくよく)がありません。Shokuyoku ga arimasen Tôi ăn không ngon miệng.
せきがでます。Seki ga demasu Tôi bị ho.
くしゃみがでます/ くしゃみをします。Kushami ga demasu/ kushami wo shimasu Tôi bị hắt xì.
鼻水(はなみず)がでます。Hanamizu ga demasuTôi bị sổ mũi.
吐き気(はきけ)がします。Hakike ga shimasuTôi cảm thấy buồn nôn.
寒気(さむけ)がします。Samuke ga shimasuTôi cảm thấy ớn lạnh.
めまいがします。Memai ga shimasuTôi bị chóng mặt.
体(からだ)が だるいです。Karada ga darui desuCảm giác cơ thể uể oải.
~が痒い(かゆい)です~kayui desuBị ngứa ở ~
胃がむかむかします。i ga mukamuka shimasuCồn cào, nôn nao trong bụng
胃がきりきりします。i ga kirikiri shimasuBụng đau nhói.
Atama ga zukizuki shimasuĐầu đau nhói
ちくちくします。 Chikuchiku shimasuĐau như có kim châm.

Tên một số loại thuốc

Tiếng NhậtPhát âmTiếng Việt
頭痛薬Zutsū yaku thuốc đau đầu
鎮痛剤Chintsū-zaithuốc giảm đau
睡眠薬Suimin yakuthuốc ngủ
解熱剤GenetsuzaiThuốc hạ sốt
バンドエイド(band aid)Bando eddoBăng cá nhân
目薬MegusuriThuốc nhỏ mắt
湿布 (薬)Shippu(gusuri)Cao dán (thuốc đắp)
軟膏NankōThuốc mỡ
整腸薬SeichōyakuThuốc chữa bệnh đường ruột
胃腸薬Ichō kusuriThuốc chữa đau dạ dày
風邪薬Kaze kusuriThuốc cảm
漢方薬KanpōyakuThuốc thảo dược
ビタミンBitaminVitamin
サプリメントSapurimentoThực phẩm chức năng
ファストエイド(first aid)FāsutoeidoThuốc/ dụng cụ sơ cứu (bông, băng, cồn v.v)
ダイエットDai ettoThuốc giảm cân

Danh sách một vài bệnh viện hỗ trợ tiếng nước ngoài

Ở mục này, chúng tôi sẽ giới thiệu ba bệnh viện có hỗ trợ dịch vụ phiên dịch y tế. Vui lòng tham khảo các thông tin cơ bản như: bộ phận tư vấn, giờ tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú và các ngôn ngữ hỗ trợ.

Để nắm rõ hơn, bạn hãy kiểm tra thêm thông tin trên trang web của từng bệnh viện.

Trung tâm Ung thư và Bệnh Truyền nhiễm Tokyo・Bệnh viện Komagome (東京都立駒込病院)

Khoa chẩn đoánKhoa cấp cứu, nội khoa, phẫu thuật, nhi khoa, tâm thần, da liễu, phẫu thuật thần kinh, tiết niệu, chỉnh hình, nhãn khoa, tai mũi họng, sản khoa, phụ khoa, nha khoa
Thời gian khám bệnh ngoại trúThứ hai – Thứ sáu: 9:00-17:00
Thứ bẩy: 9:00-12:00 (tiếp nhận cấp cứu 24/24)
Ngôn ngữ hỗ trợTiếng Anh, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Hàn Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Thái Lan, Tiếng Việt Nam, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Bồ Đào Nha, Tiếng Pháp, Tiếng Tagalog (Philippines)
Địa chỉ〒113-8677 3-18-22 Honkomagome, Bunkyo-ku, Tokyo
Số điện thoại03-3823-2101
Trang chủhttp://www.cick.jp/english/

Bệnh viện Nagoya Kyoritsu (名古屋共立病院)

Khoa chẩn đoán Khoa cấp cứu, nội khoa, phẫu thuật, phẫu thuật thần kinh, vv
Thời gian khám bệnh ngoại trú Thứ 2 – Thứ 6: 9:00-17:30 (yêu cầu hẹn trước)
Ngôn ngữ hỗ trợTiếng Anh, Tiếng Trung
Địa chỉ〒454-0933 172 Hokke 1-chome, Nakagawa-ku, Nagoya City, Aichi
TEL052-362-5151
Websitehttps://www.kaikou.or.jp/kyouritsu/en/index.html

Bệnh viện Nihon Seimei/Japan Life Hospital (日本生命病院)

Khoa chẩn đoán Nội khoa, phẫu thuật, sản khoa, phụ khoa, nhi khoa, chỉnh hình, da liễu, tiết niệu, nhãn khoa, tai mũi họng, khoa cấp cứu, v.v.
Thời gian khám bệnh ngoại trú Thứ 2 – Thứ 6: 8:30-11:30、13:00-15:30
Ngôn ngữ hỗ trợ Tiếng Anh, Tiếng Trung
Địa chỉ〒550-0006 2-1-54 Enokojima, Nishi-ku, Osaka City, Osaka
TEL06-6443-3446
Websitehttps://www.nissay-hp.or.jp/en/

Các dịch vụ tìm kiếm bệnh viện hỗ trợ tiếng nước ngoài

Nếu bạn đang tìm kiếm một bệnh viện hỗ trợ ngoại ngữ trong khu vực của bạn, dưới đây là một số dịch vụ cho phép người nước ngoài tìm các cơ sở y tế bằng tiếng nước ngoài.

Trang web của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản

Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản cung cấp một trang web nơi bạn có thể tìm kiếm các tổ chức y tế. Nó hỗ trợ tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn, vì vậy bạn có thể tìm kiếm các tổ chức y tế và kiểm tra cách sử dụng chúng.

Tổ chức Giáo dục – Y tế Nhật Bản

Trên trang web của Tổ chức Giáo dục Y tế Nhật Bản, bạn có thể tìm kiếm các tổ chức y tế được công nhận chấp nhận bệnh nhân quốc tế. Điều này hỗ trợ một số ngôn ngữ, thường bao gồm tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Ứng dụng “JAPAN Hospital Guide”

Source: App Store

JAPAN Hospital Guide là một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, cho phép bạn tìm kiếm các tổ chức y tế hỗ trợ người nước ngoài. Nó hoạt động cùng với GPS và hiển thị các tổ chức y tế gần vị trí hiện tại của bạn.

Dịch vụ khám chữa bệnh được cung cấp bởi địa phương

Ngoài các thông tin liệt kê ở trên, một số địa phương có các trang web cung cấp thông tin về các tổ chức y tế cho người nước ngoài sống trong khu vực.

Ví dụ: trang web “Himawari” của Tokyo cung cấp nhiều thông tin khác nhau như cách tìm một cơ sở y tế, các loại bệnh và hướng dẫn cách khám bệnh. Các ngôn ngữ được hỗ trợ là tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hàn.

Ngoài ra, có các trang web ở Aichi và Osaka hỗ trợ tìm kiếm các bệnh viện trong khu vực.

Phòng khám/bệnh viện hỗ trợ tiếng Việt

Dù còn chưa phổ biến nhưng hiện nay có đã có vài phòng khám với đội ngũ y bác sĩ nói được tiếng Việt hoặc là người Việt để có thể hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng người Việt sống tại Nhật Bản.

Khu vực Kantou

Khu vực Kansai

Tổng kết

Bài viết này đã cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện hoặc phòng khám ở Nhật Bản.

Hãy lưu lại các thông tin cần thiết như tên khoa điều trí, triệu chứng, các vật dụng cần thiết và vài cách diễn đạt phổ biến vào sổ tay để có thể áp dụng bất kỳ lúc nào nhé.

Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy có rào cản về ngôn ngữ khi giao tiếp tại bệnh viện/phòng khám, tốt nhất bạn nên lựa chọn địa chỉ có đội ngũ y bác sĩ thân thiện với người nước ngoài hoặc sử dụng dịch vụ phiên dịch y tế để đảm bảo bệnh của bạn được truyền tải một cách chính xác nhất và có được liệu trình điều trị phù hợp nhất nhé! Chúc các bạn luôn khỏe để học tập và làm việc tốt.

Chúng tôi hy vọng rằng thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong cuộc sống hàng ngày tại Nhật. Và nếu bạn bối rối về bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này, hãy để lại bình luận bên dưới.
JP SMART MAGAZINE