Văn hóa

Bỏ túi 10 “bí kíp” trên bàn nhậu ở Nhật

Cũng như nhiều nước khác, người dân Nhật Bản cũng rất thích nhậu. Ở Nhật Bản, có rất nhiều loại đồ uống có cồn như bia, rượu sake, rượu sochu, rượu hoa quả có ga (chu-hi) hay highball (whiskey pha với nước có ga 炭酸水) được bày bán ở các cửa hàng rượu, siêu thị, hay cửa hàng tiện lợi 24h. Những người có thói quen uống bia rượu hằng ngày đều có thể dễ dàng mua chúng bất kì lúc nào họ muốn.

Tuy nhiên, như một điều tất nhiên, bạn có thể được yêu cầu xác nhận tuổi tại thời điểm mua hàng. Lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu văn hóa cũng như các quy tắc uống rượu ở Nhật Bản và những điều bạn cần chú ý khi được mời đi dự tiệc nhậu. Các bạn cùng tham khảo nhé.

Độ tuổi được phép uống rượu bia

Khác với ở Việt Nam, một người được coi là trưởng thành khi đủ 18 tuổi thì ở Nhật Bản, tuổi trưởng thành – có thể uống rượu và hút thuốc được quy định là 20 tuổi.

Khi bạn mua rượu tại các cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, nhân viên cửa hàng có thể yêu cầu bạn xác nhận tuổi của mình. Đặc biệt, những người dưới 20 tuổi thường phải xuất trình thẻ căn cước ghi rõ tuổi của họ. Nếu bạn không thể chứng minh tuổi của mình, cửa hàng có thể từ chối bán hàng cho bạn.

Xác minh tuổi tác cũng thường được thực hiện khi bạn đi ăn uống tại các quán nhậu (izakaya), nhà hàng có phục vụ đồ uống có cồn, quán bar,… Vì vậy hãy nhớ mang theo giấy tờ tùy thân của bạn mọi lúc nhé.

Nhân tiện, việc khuyến khích người dưới 20 tuổi uống rượu bia cũng là vi phạm pháp luật. Hãy cẩn thận không rủ rê những người chưa đủ tuổi thành niên ngay cả khi bạn muốn tận hưởng và chia sẻ thời gian vui vẻ cùng nhau.

Văn hóa và Quy tắc ứng xử trên bàn nhậu

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, người Nhật Bản cũng thích uống bia rượu, nhất là những dịp liên hoan, nhậu nhẹt, hát hò cuối năm. Tuy nhiên, trong văn hóa uống của người Nhật cũng có 1 bộ quy tắc riêng, do đó khi đi du lịch hay sinh sống tại Nhật Bản và thưởng thức tiệc rượu, bia, bạn nên nắm được những quy tắc bất thành văn này của người dân bản xứ ở đất nước mặt trời mọc để biết cách cư xử đúng mức và lịch sự.

Trong trường hợp đi uống rượu với những người có liên quan đến công việc

Ở Nhật, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để giao tiếp với đồng nghiệp và sếp trong khi uống rượu. Đặc biệt khi đi cùng sếp, hãy lưu ý những điều sau.

Để Sếp ngồi vào “ghế trên”

Ở Nhật Bản có khái niệm về “ghế trên” (Kamiza 上座), “ghế dưới” (Shimoza 下座) với quy tắc sắp xếp chỗ ngồi theo chức vụ, lịch sử vào công ty, cuối cùng là tuổi tác của người đó. Người có vị trí cao nhất sẽ ngồi ở “ghế trên” và ngược lại.

Thông thường, trong một căn phòng, kamiza là chỗ ngồi hoặc vị trí thoải mái nhất, thường là xa nhất so với cửa ra vào – bởi vì đây là nơi ấm nhất và an toàn nhất khỏi bị tấn công vào thời kỳ phong kiến. Còn thư ký và cấp dưới ngồi ở vị trí gần cửa ra vào hơn để quản lý việc đặt món ăn/ đồ uống.

Trong một căn phòng washitsu truyền thống, người ta thường đặt một chiếc zabuton để người ngồi đó quay lưng lại với tokonoma (床の間); kamiza là vị trí gần tokonoma nhất hoặc đơn giản là xa nhất so với cửa trong một căn phòng thiếu tokonoma.
Tokonoma (床の間): hay đơn giản là toko (床), là một không gian lõm trong phòng tiếp khách kiểu Nhật Bản, trong đó các vật phẩm nghệ thuật được trưng bày. Trong tiếng Việt, một “tokonoma” có thể được gọi là một hốc tường.

Sắp xếp chỗ ngồi theo thứ tự quan trọng từ 1~8 trong phòng washitsu

Đối với căn phòng theo phong cách phương Tây, nó sẽ là một chiếc ghế bành hoặc ghế sofa thoải mái, hoặc vị trí đầu bàn nơi cách xa cửa ra vào nhất.

Ví dụ về Kamiza và Shimoza

Luôn để ý và rót đầy ly cho sếp/người kế bên

Nhiều người đặc biệt nghiêm khắc và để ý tới sự quan sát của bạn. Bạn có thể cần hỏi xem họ có muốn uống thêm rượu hay không nếu ly của họ sắp cạn. Một số người muốn những người trẻ/người mới vào công ty phụ trách order để ý, nên hãy cẩn thận khi đi nhậu với khách hàng lớn hoặc sếp có chức vụ cao. Đừng vô tình làm cho bản thân bị mất điểm trong mắt các đồng nghiệp cũng như cấp trên của mình.

Tuy nhiên, đây sẽ là điều khá khó khăn đối với những người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm. Nếu bạn là sếp, họ sẽ rất vui lòng nếu bạn không quá khắt khe và ép buộc họ làm điều này.

Cùng nâng chén khi đồ uống đã sẵn sàng

Thông thường người Nhật không uống ngay ly rượu của mình mà đợi cho rượu được rót đủ các ly, mọi người trong bàn đều cầm ly của mình trên tay và cụng ly rồi uống. Sau đó, những người nào muốn uống riêng sẽ tiếp tục uống hoặc gọi thêm đồ, cũng tương tự như kiểu “chào mâm” ở Việt Nam.

Bắt đầu bữa tiệc bằng một ly bia

Vì để mọi người có thể cùng nâng chén mà không phải chờ đợi lâu, một số người nghĩ rằng thức uống đầu tiên phải gọi là bia tươi (生ビール) vì chúng có thể được phục nhanh chóng sau khi gọi đồ.

Ở Việt Nam, bia và rượu là 2 đồ uống khác nhau, tách biệt nhau và thường ít được dùng trong cùng 1 lần nhậu. Tuy nhiên, 1 bữa tiệc rượu đông người ở Nhật luôn bắt đầu bằng việc uống 1 ly bia trước, sau đó bạn có thể uống đồ khác như sake hay cocktail. Đây là một nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản.

Gần đây, với sự mở rộng trong giao lưu với bạn bè quốc tế và sự phát triển của ý thức về nhân quyền, ngày càng nhiều người cân nhắc rằng họ nên gọi đồ uống yêu thích của họ thay vì bia. Một số người ngay từ đầu đã không có tửu lượng tốt nên tốt hơn hết là không nên ép họ.

Cùng nhau hô vang khẩu hiệu

Khi tất cả mọi người đã sẵn sàng để bắt đầu bữa tiệc, người Nhật sẽ cùng nâng ly và nói “Kanpai!”, nghĩa là “Chúc mừng!”, cũng giống như tiếng “Dzô! Dzô!” của Việt Nam.

Nếu các thành viên trong bữa tiệc là đồng nghiệp với nhau, họ sẽ thường nói “Otsukaresama desu!” (お疲れ様です) như 1 lời cảm ơn và động viên nhau trong công việc.

Để ý vị trí của ly khi cụng

Sau khi nâng ly “đồng khởi”, người Nhật cũng mời riêng và uống rượu riêng với một người bất kỳ. Trong trường hợp này, bạn nên chú ý: vị trí ly khi cụng luôn luôn phải đặt thấp hơn ly của đối phương để thể hiện sự tôn trọng, nhất là khi uống với các bậc tiền bối, lãnh đạo, hoặc cha mẹ.

Nói cảm ơn nếu ai đó mời/đãi bạn

Khi bạn đi nhậu với những người có liên quan đến công việc của bạn, người có vị trí cao nhất tại đó có thể “ra tay” trả một khoản lớn hoặc trả toàn bộ hóa đơn của bữa ăn đó.

Trong trường hợp đó, hãy nhớ cảm ơn người đã đãi bạn.

Đối với những người nghiêm khắc trong phép xã giao, họ có thể muốn nghe những lời cảm kích của bạn tới tận hai lần: khi kết thúc bữa nhậu và khi bạn gặp lại họ ở nơi làm việc. Vì vậy, bạn có thể cảm ơn họ một lần nữa vì sự chiêu đãi khi gặp nhau vào ngày làm việc tiếp theo.

Quẩy hết mình nhưng không quên nhiệm vụ

Các bạn có thể thường thấy người Nhật nhiệt tình và sẵn sàng vui chơi xả láng ở cuộc nhậu đêm trước đến nỗi hết cả tàu cuối, ngủ quên trên tàu hay nhà ga, hoặc nằm sõng soài ở ghế đá ngoài công viên, nhưng sáng hôm sau vẫn thấy họ tỉnh táo và có mặt đúng giờ ở công ty như không có chuyện gì xảy ra cả (Tất nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới số đông nên nếu nó không đúng với trải nghiệm của bạn thì hãy đọc tiếp nhé ^^).

Chúng ta thường hay có tư tưởng là hôm nay chơi hết mình, hôm sau mệt thì xin nghỉ cũng được. Nhưng điều này sẽ không bao giờ có trong các doanh nghiệp Nhật. Chơi gì thì chơi uống gì thì uống nhưng công việc thì vẫn là công việc. Sẽ không bao giờ có chuyện uống rượu say thì ngày hôm sau bạn được quyền xin nghỉ làm. Đây là điều đại kỵ ở công ty Nhật, nên các bạn hãy chú ý vấn đề này nhé.

Đã tốn nhiều công sức, chi phí để tới Nhật rồi thì dù là đi học hay đi làm bạn cũng hãy nhớ: chơi được thì học được, làm được nhé.

Trong trường hợp đi uống rượu với bạn bè

Thoải mái trong phép lịch sự tối thiểu

Khi đi nhậu nhẹt với bạn bè, bạn có thể thoải mái vui vẻ mà không phải để ý tới các quy tắc nhỏ nhặt như khi ngồi cùng những người liên quan đến công việc. Bạn không phải lo lắng về việc ai ngồi ở Kamiza, cũng như bận tâm về việc bị người khác đánh giá.

Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản như: cùng nâng chén khi bắt đầu bữa tiệc và hô vang “kanpai!” để khuấy động không khí vẫn là những chi tiết không nên bỏ qua.

Tuy nhiên, dù thoải mái đến mấy thì chúng ta cũng nên giữ phép lịch sự tối thiểu với bạn bè. Vì vậy hãy tránh làm phiền họ bằng cách say xỉn. Hãy có ý thức không uống “quá chén” và giữ tỉnh táo để có thể về nhà an toàn nhé.

Vui vẻ nếu mọi người cùng chia đều hóa đơn

Nhiều bạn có thể bị sốc văn hóa (カルチャーショック) khi thấy bạn bè người Nhật của mình chia đều hóa đơn hoặc tách riêng hóa đơn – của ai người đó trả. Tuy nhiên, nó là một điều bình thường ở Nhật và có tên gọi riêng là văn hóa “Warikan” (割り勘).

Sự chia sẻ này rất sòng phẳng và rõ ràng, đến mức nhiều nhà hàng khi in hóa đơn sẽ chia luôn số tiền tính theo tổng đầu người, và mỗi thực khách chỉ cần lấy đúng bằng đó tiền ra trả mà không cần phải lôi điện thoại ra cộng trừ nhân chia cho mất thời gian.

Khi người Nhật đi du lịch, đi ăn uống với những người thân trong gia đình của mình thì việc lại giữ các hóa đơn chi trả tiền mua thực phẩm ở siêu thị, mua xăng hay phí cao tốc đường dài là rất cần thiết để chia tiền.

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng chăm chăm chia tiền là tốt. Nếu bạn đi ăn với các bậc lớn tuổi hơn, hoặc người ở vai vế cao hơn, người bề trên sẽ trả toàn bộ chi phí bữa ăn hoặc phần tiền lớn hơn. Điều bạn cần làm là cảm ơn họ bằng câu “Go -chiso sama deshita” (Cám ơn vì đã chiêu đãi).

Nếu nhận được lời mời ăn uống của bạn bè Nhật thì hãy mang theo tiền lẻ, sẵn sàng chia hóa đơn khi cần thiết và chuẩn bị tâm lý đừng thất vọng, cũng đừng coi điều này là xấu vì họ “không ga-lăng, không có ý tứ” nhé (・ω<)☆

Tổng kết

Mỗi quốc gia có quy định về độ tuổi được phép uống và sở hữu rượu khác nhau. Tại Nhật, thanh niên phải đủ 20 tuổi trở lên mới được phép uống đồ uống có cồn.

Ở Nhật, uống bia-rượu được xem là cơ hội để thư giãn và gắn bó tình đoàn kết giữa bạn bè, đồng nghiệp. Người Nhật uống để vui chứ không uống say, vì vậy hãy tham khảo những nghi thức được giới thiệu trong bài viết này nếu cần thiết để trở thành 1 thực khách lịch sự, hòa mình với những người dân địa phương.

Chúng tôi hy vọng rằng thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong cuộc sống hàng ngày tại Nhật. Và nếu bạn bối rối về bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này, hãy để lại bình luận bên dưới.
JP SMART MAGAZINE