Ngày 5 tháng 5 hàng năm là ngày Tết thiếu nhi ở Nhật Bản. Đúng như tên gọi, đó là một ngày được xem là lễ hội chúc mừng và cầu mong sự trưởng thành của trẻ em. Nhưng đó không phải là tất cả.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về các phong tục và cách người dân Nhật Bản tổ chức ngày này nhé.
Ngày Tết thiếu nhi là gì?
Ngày Tết thiếu nhi là một ngày lễ cố định vào ngày 5 tháng 5 hàng năm và cũng là một trong những ngày tạo nên Tuần lễ vàng. Ngày này được thiết lập bởi Đạo luật về các ngày lễ quốc gia như một ngày để cầu mong hạnh phúc của trẻ em và cảm ơn mẹ của chúng.
こどもの日 五月五日 こどもの人格を重んじ、こどもの幸福をはかるとともに、母に感謝する。
Nguồn:国民の祝日に関する法律
Ngày của trẻ em 5 tháng 5 được thành lập để chúc mừng, cầu mong sự trưởng thành của trẻ em và cảm ơn các bà mẹ.
Ngày 5 tháng 5 cũng được biết đến là Ngày của bé trai (端午の節句 Tango no Sekku) hay còn gọi là ngày lễ hoặc tết “Đoan ngọ” xuất phát từ Trung Quốc. “Đoan” có nghĩa là “bắt đầu”, “ngọ” là tháng thứ 5 theo lịch cũ và cũng đồng âm với “五・ngũ” của tiếng Nhật.
Theo âm lịch đây là ngày bắt đầu cho mùa hè. Để chuẩn bị cho việc chống lại nhiều bệnh tật thường xuất hiện trong mùa này, cha mẹ có con nhỏ thường làm lễ cầu trời Phật để chúng được tráng kiện an lành. Đặc biệt, nếu gia đình có con trai, người Nhật sẽ chúc mừng ngày ngày bằng cách dựng cây phướng cá “koi” (cá chép) gọi là “koi no bori” trước ngày 5/5 trên sân nhà vào năm đầu tiên kể từ khi bé được sinh ra.
Ngày nay, ngày 5 tháng 5 là một lễ kỷ niệm cho cả bé trai và bé gái là “Ngày của trẻ em”, nhưng khi được tổ chức như lễ hội theo mùa đầu tiên, các bé trai sẽ là ngôi sao chính của ngày này.
Khi sử dụng lịch âm, có năm ngày trong năm gọi là “Sekku” tại Nhật. Từ ” 節句 Sekku” có nghĩa là những ngày đặc biệt mà mọi người tổ chức các sự kiện truyền thống quan trọng mỗi năm.
- Ngày 7 tháng 1:人日の節句 Junjitsu-no-Sekku (Lễ Thất thảo 七草の節句 nanakusa no sekku)
- Ngày 3 tháng 3:女子の節句 Joshi-no-Sekku (Lễ hội búp bê/Ngày dành cho bé gái)
- Ngày 5 tháng 5:端午の節句 Tango-no-Sekku (Tết thiếu nhi/Tết Đoan Ngọ/Ngày dành cho bé trai)
- Ngày 7 tháng 7:七夕の節句 Shichiseki-no-Sekku (Lễ Thất Tịch hay còn gọi là lễ hội Tanabata 七夕)
- Ngày 9 tháng 9:重陽の節句 Choyo-no-Sekku (Lễ hội hoa cúc)
Cách người Nhật tổ chức ngày Tết thiếu nhi
Sau đây là những cách để kỷ niệm ngày Tết thiếu nhi ở Nhật Bản.
Treo cờ cá chép (koi nobori)
Đây là dịp lễ đặc biệt, người Nhật thường treo cờ cá chép (Koinobori) tượng trưng cho những bé trai khoẻ mạnh thông minh với ý nghĩa “cá vượt vũ môn” mang theo ước nguyện của những bậc cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống.
Cứ đến đầu tháng 5 là ở Nhật rợp trời cờ cá chép tung bay trong gió, mỗi nhà treo 3 hoặc 5 cờ, với 5 màu chủ đạo là: xanh lam, đỏ, đen, xanh lá, xanh tím. Những lá cờ Koi (cá chép) vải đầy màu sắc được treo trên mái nhà hoặc hành lang chung cư của các gia đình có con trai.
Một bộ cờ cá chép truyền thống bao gồm cá chép đen, đỏ và xanh từ trên xuống. Màu đen tượng trưng cho người cha, màu đỏ tượng trưng cho người mẹ và màu xanh tượng trưng cho đứa trẻ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn cần phải chuẩn bị một bộ cờ cá chép có đủ màu đen, đỏ và xanh. Có rất nhiều màu sắc khác như hồng, xanh lá, cam, vân vân. Nên hãy chọn màu mà bạn thích hoặc con trẻ mong muốn, không cần phải quá bám sát cứng nhắc vào ba màu truyền thống trên.
Cờ cá chép thường bắt đầu được treo vào khoảng ngày xuân phân. Vì Ngày của trẻ em là ngày 5 tháng 5 nên nhiều gia đình trưng bày nó cho đến hết Tuần lễ Vàng. Nhưng một số gia đình vẫn tiếp tục trưng bày nó cho đến đầu tháng Sáu.
Trưng bày áo giáp và mũ samurai
Ngoài việc treo cờ cá chép ngoài sân, vài gia đình còn trưng bày trong nhà tượng chú bé “Kintaro” (金太郎) cưỡi cá “koi” hoặc bộ áo giáp hay nón giáp samurai gọi là “yoroi kabuto” (鎧兜) hay “kabuto” (兜, 冑).
Kintaro là tên của Kintoki lúc còn bé của xứ Sakata, là bộ hạ của Minamoto no Raikô (源頼光 cũng đọc là Minamoto no Yorimitsu) – một samurai nổi danh vào đời Heian. Tục truyền rằng chú bé này thường cưỡi lên lưng con “gấu” khi vào rừng chơi với dã thú.
Thay vì bỏ ra một số tiền để sắm bộ đồ trang trí này, nhiều gia đình tự tạo bộ mũ giáp bằng cách gấp giấy Origami đầy sáng tạo
Nếu muốn mua được bộ đồ trang trí samurai đích thực cho bé, bạn có thể mua tại cửa hàng chuyên biệt sau:
Ăn Kashiwa-mochi hay Chimaki
Vào Tết Tango, người Nhật làm bánh “mochi” (gạo nếp) gói trong lá “kashiwa” (lá sồi) và lá “ayame” (xương bồ hay tre như bánh chưng bánh tét của Việt Nam ta), gọi là “kashiwa-mochi” và “chimaki” để cúng và ăn lễ Tết này. Người dân ở vùng Kanto có xu hướng ăn Kashiwa-mochi, và người dân ở vùng Kansai có xu hướng ăn Chimaki. Tất nhiên, nếu thích thì bạn có thể ăn cả hai loại bánh này, không quan trọng vùng miền.
Lá Kashiwa sẽ không rụng cho đến khi những chồi mới xuất hiện, vì vậy người Nhật ăn Kashiwa-mochi với hy vọng sự thịnh vượng, an khang cho con cháu của họ.
Trong khi đó Chimaki lại là lời nguyện cầu cho sự phát triển, trưởng thành tốt ở trẻ, và mang ý nghĩa như bùa hộ mệnh. Tương truyền, ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày để tưởng nhớ Khuất Nguyên nước Sở cuối thời Chiến Quốc. Ông là người trung tiết nhưng bị gian thần hãm hại nên phải gieo mình tự vẫn trên con sông Mịch La. Dân chúng thương tiếc ông nên làm bánh nếp quấn chỉ ngũ sắc và ném xuống sông để cá không dám đến ăn xác của người trung nghĩa. Và từ đó xuất hiện tập tục ăn bánh mochi trong ngày Tết này.
Tắm lá xương bồ (菖蒲湯 shobu-yu)
Vào ngày này, người Nhật có phong tục ngâm mình trong bồn thả lá cây diên vĩ (cây xương bồ), gọi là tục Shobu-yu.
Người dân Nhật Bản cầu nguyện cho sức khỏe và cuộc sống lâu dài của họ bằng cách ngâm mình trong nước nóng có chứa lá cây xương bồ, được cho là để xua đuổi tà ma vì lá có hình kiếm và chữ Hán của cây xương bồ (diên vĩ) là 菖蒲 đồng âm với từ “thượng võ” (尚武 しょうぶ) của Samurai từ thế kỷ 13~14.
Khi gần tới lễ Tango, bạn có thể thườngt thấy các cửa hàng hoặc siêu thị bán các sản phẩm gói thơm dùng để tắm có mùi Shobu.
Nếu là người ưa thích hương thơm hoa cỏ tự nhiên, sao bạn không thử ngâm mình trong bồn xương bồ vào ngày 5 tháng 5 này nhỉ?
Sự kiện được tổ chức vào ngày Tết thiếu nhi
Vào ngày Tết thiếu nhi, có vài sự kiện nổi bật sau được tổ chức:
*Vui lòng kiểm tra trang web chính thức của mỗi sự kiện để biết chi tiết về thời gian tổ chức và trạng thái sự kiện.
Lễ hội chăng đèn cá chép tại tháp Tokyo SkyTree [đã bị hủy]
Đây là một sự kiện lớn trong đó hơn 1.000 cờ cá chép được chăng tại các địa điểm khác nhau trong Tokyo SKYTREE TOEN với hy vọng cầu chúc cho sự trưởng thành của trẻ.
Vì sự kiện được tổ chức trong thời gian diễn ra Tuần lễ Vàng nên cả gia đình, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ và ấm áp cùng nhau.
Lễ hội thả diều cỡ lớn Kasukabe [đã bị hủy]
Vào ngày 3 và 5 tháng 5, lễ hội diều lớn được tổ chức bên bờ sông Edo. Đây là một sự kiện thu hút hơn 100.000 khán giả để xem những con diều lớn được thực hiện trong vài tháng cùng bay lượn, khoe sắc trên bầu trời.
Không chỉ có các con diều lớn tham gia dự thi, mà bạn còn có thể được ngắm cả những chiếc diều nhỏ dễ thương mà các bé tự làm hoặc những con diều thương mại của các công ty tài trợ sự kiện này.
Lễ hội mùa Xuân Kodomo-no-Kuni [đã bị hủy]
Đây là một sự kiện được tổ chức hàng năm từ ngày 3 tháng 5 đến ngày 5 tháng 5 tại “Kodomo-no-Kuni”, một sân chơi dành cho trẻ em cách Shibuya khoảng 40 phút đi tàu, nằm ở ranh giới giữa Aoba-ku, Yokohama-shi, Kanagawa và Machida-shi, Tokyo. Trên một khu vực rộng lớn khoảng 100 ha, đây là một nơi có thiên nhiên phong phú, giữ được vẻ ngoài vốn có của ngọn đồi Tama. Có nhiều sân chơi khác nhau trong công viên để trẻ em có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn và có thể vui chơi tự do. Các bé có thể tham gia gấp và làm một chiếc mũ bảo hiểm bằng giấy màu, thử chơi Kendama và xem diễu hành.
Ngoài ra còn có rất nhiều sự kiện thú vị khác xuyên suốt cả năm. Vì thế, rất thích hợp để dẫn các bé đi chơi cuối tuần hoặc vào các dịp lễ nếu gia đình có trẻ nhỏ.
Tổng kết
Ngày Tết thiếu nhi là một ngày lễ đặc biệt để cầu nguyện cho sự trưởng thành và hạnh phúc của trẻ, đồng thời cảm ơn những người mẹ đã vất vả mang thai và nuôi nấng chúng.
Có rất nhiều hoạt động phong tục được thực hiện trong ngày này như: treo cờ cá chép, trang trí bộ mũ giáp samurai, ăn bánh Kashiwa-mochi hay Chimaki, và tắm lá xương bồ.
Đây cũng là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau và cùng vui chơi tại các địa điểm và sự kiện đặc biệt được tổ chức riêng trong thời gian tuần lễ Vàng.