Nhà ở

Quy trình thuê nhà ở Nhật và các thuật ngữ cần nhớ

“An cư lạc nghiệp” là kinh nghiệm được truyền tải từ những người đi trước. Với những ai có dự định học tập và làm việc ở Nhật trong trung và dài hạn, thì việc tìm một căn hộ là ưu tiên hàng đầu để “an cư” tại đất nước mặt trời mọc này.

Ngoài kí túc xá, ở Nhật, người đi thuê nhà thường làm việc thông qua một đại lý bất động sản hơn là liên hệ trực tiếp với chủ nhà. Tuy nhiên, hệ thống cho thuê nhà ở Nhật vẫn chưa hề dễ dàng cho nhiều người nước ngoài tới từ các quốc gia mà bạn không cần phải tốn tiền lễ hay tiền đặt cọc để thuê một căn hộ.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích quy trình thuê một căn hộ ở Nhật Bản và giải thích các thuật ngữ thường được sử dụng trong quy trình đó.

Xu hướng thuê nhà ở Nhật

Khi tìm kiếm một căn hộ, việc biết được xu hướng thuê nhà ở Nhật Bản sẽ có thể khá hữu ích.

Trước hết, những người ở một mình thường sống trong căn hộ 1R (bếp, nhà tắm liền phòng ngủ, không có ngăn cách) hoặc 1K (giống one room nhưng có ngăn phần bếp với phòng ngủ). Diện tích căn hộ thường khoảng trên dưới 20 mét vuông. Ở Tokyo, chỉ với diện tích này đã tiêu tốn của bạn khoảng 70.000 đến 80.000 yên tiền thuê nhà một tháng.

Các khu vực gần Shibuya, Shinjuku và ga Tokyo thậm chí còn có giá thuê cao hơn. Và trung bình nó có giá khoảng 100.000 yên. Ngược lại, khi bạn di chuyển ra khỏi các khu vực trung tâm sầm uất như vậy, giá thuê sẽ giảm dần.

Ngoài ra, tiền thuê nhà sẽ cao hơn nếu phòng tắm và nhà vệ sinh tách biệt. Nếu bạn không bận tâm về một phòng tắm tiện nghi, bạn sẽ có thể tìm được một căn hộ với giá hợp lý.

Trong trường hợp bạn tìm căn hộ cho một gia đình, lựa chọn loại căn hộ sẽ phụ thuộc vào số lượng người sinh sống. Hầu hết mọi người thường chọn căn hộ loại từ 1LDK (phòng khách, phòng ăn và bếp ngăn cách với phòng ngủ) trở lên.

Quy trình thuê nhà ở Nhật

Thông thường quy trình đi thuê nhà qua đại lý bất động sản tại Nhật như sau:

  1. Chọn khu vực sống
  2. Chọn đại lý bất động sản tại khu vực mong muốn
  3. Trao đổi với công ty bất động sản về các điều kiện
  4. Trực tiếp đi xem nhà
  5. Làm thủ tục đăng ký thuê nhà và đợi xét duyệt
  6. Thảo luận về các khoản phí và điều kiện liên quan・ký hợp đồng
  7. Nhận chìa khóa vào ngày nhập nhà

Chúng ta hãy cùng xem xét kỹ hơn từng bước nhé.

Chọn khu vực sống

Đầu tiên, hãy xác định khu vực mà bạn muốn tìm một căn hộ. Nếu bạn là du học sinh hoặc chuẩn bị đi làm tại Nhật Bản, sẽ rất thuận tiện khi nơi ở gần trường học hoặc nơi làm việc của bạn.

Thường tại các khu vực vị trí đẹp, thuận tiện, gần trung tâm thì giá thuê nhà hàng tháng cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên trong giai đoạn này, bạn chỉ cần quyết định một khu vực đại khái. Sau đó, bạn có thể tham khảo ý kiến ​​các đại lý bất động sản để xác định một vị trí cụ thể.

Nhân tiện, có những khu vực mà cộng đồng người nước ngoài của một quốc gia nào đó thường tập trung sinh sống. Ví dụ, khu vực Nishi-Kasai của Edogawa-Ku, Tokyo được biết đến là nơi có nhiều người Ấn Độ. Bạn có thể cân nhắc lựa chọn một khu vực như vậy để cảm thấy an tâm hơn khi ra ngoài.

Có lẽ bạn chưa biết, “Hiroo” là khu vực mà người nước ngoài tầng lớp chủ tịch công ty thường sống. Đây là một khu dân cư cao cấp ở Minato-ku, Tokyo, nơi có những bất động sản với giá thuê hằng tháng trên dưới 1 triệu yên.

Chọn đại lý bất động sản tại khu vực mong muốn

Sau khi khoanh vùng được nơi bạn muốn sống là lúc bạn bắt đầu phải lên đường tới những ga thuận tiện cho bạn tại khu vực đó và tìm một văn phòng bất động sản.

Các đại lý bất động sản có ở khắp mọi nơi. Bạn chỉ cần đi bộ ra khỏi bất kỳ nhà ga nào là có thể dễ dàng tìm thấy ít nhất một văn phòng bất động sản trong bán kính 100 mét, từ các công ty nhỏ lẻ đến các công ty có văn phòng đại diện trên toàn quốc.

Các văn phòng bất động sản thường dán các quản cáo căn hộ lên mặt kính của cửa sổ hoặc trên các biển gỗ đặt trước hiên, nên sẽ không khó để nhận ra chúng. Nếu bạn bối rối vì có quá nhiều lựa chọn, hãy hỏi người quen sống gần khu vực đó hoặc đã từng có kinh nghiệm chuyển nhà để nhận được lời khuyên nhé.

Đối với nhiều bạn, sử dụng tiếng Anh sẽ thuận tiện hơn tiếng Nhật thì dưới đây là một vài công ty bất động sản có hỗ trợ tư vấn tìm nhà bằng tiếng Anh mà bạn có thể tham khảo.

Ngoài ra, các văn phòng bất động sản không nhất thiết phải giới hạn trong một công ty. Nếu bạn không hài lòng với văn phòng môi giới đầu tiên, sẽ không có vấn đề gì nếu bạn chuyển qua một văn phòng khác giúp bạn tìm nhà.

Trao đổi với văn phòng bất động sản về các điều kiện

Khi chọn được một văn phòng bất động sản ưng ý, tiếp theo bạn cần phải truyền tải cho họ những tiêu chí bạn mong muốn ở căn hộ như:

  • Tiền nhà hàng tháng mà bạn có khả năng trả là bao nhiêu?
  • Tiền đầu vào gồm những gì?
  • Cách trường hoặc công ty bao xa?
  • Căn hộ cách ga bao nhiêu phút đi bộ?
  • Loại phòng và Diện tích căn hộ?
  • Vị trí có thuận tiện không (gần nhiều ga tàu, bệnh viện, siêu thị, công viên…)?
  • Khi nào muốn nhập nhà?

Rất khó để có thể chọn lựa được một căn hộ phù hợp với mọi tiêu chí của bạn. Vì thế, hãy chọn ra những điều kiện tiên quyết và nên được ưu tiên hơn so với những cái khác, và trao đổi về các tiêu chí khác ở mức có thể chấp nhận được để giúp các đại lý bất động sản tìm nhà giúp bạn nhanh hơn.

Ngoài ra, bạn nên tạo thiện cảm với đại lý bất động sản, vì người nước ngoài ở Nhật tìm nhà khó khăn hơn người Nhật (một số chủ nhà không thích người nước ngoài) và nên nói rõ thông tin của bạn như tư cách lưu trú, khả năng tiếng Nhật … để họ có thể giới thiệu bạn với các công ty quản lý nhà hay chủ nhà một cách dễ dàng hơn.

Dựa trên nội dung được thảo luận ở trên, nhà môi giới sẽ tìm kiếm cơ sở dữ liệu và in ra cho bạn bản thiết kế mặt phẳng của các căn hộ phù hợp với tiêu chí của bạn. Khi chọn được vài căn như ý sẽ là bước bạn đi xem nhà trực tiếp.

Trực tiếp đi xem nhà

Nếu căn hộ đang trống và đã được dọn dẹp sạch sẽ, người môi giới sẽ có thể dẫn bạn đi xem nhà ngay trong ngày. Đây là bước để bạn biết chính xác được các đặc điểm của căn hộ mà bạn khó có thể xác định nếu chỉ nhìn qua bản vẽ.

Các điểm cần kiểm tra khi xem nhà:
  • Khả năng cách âm
  • Khả năng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Tín hiệu di động
  • Không khí và an ninh khu vực quanh nhà
  • Diện tích tủ chứa đồ và khu vực bếp

Bút và thước dây là hai vật dụng rất hữu ích khi đi xem nhà. Bạn có thể dùng bút ghi chú lại những điểm cần lưu ý trên bảng thiết kế phẳng. Nó sẽ rất hữu ích để so sánh với các căn hộ sau này. Thước dây dùng để đo đạc diện dích căn phòng khi bạn sắm đồ nội thất và thiết bị gia dụng.

Sau khi kiểm tra tận mắt phòng bạn sẽ thuê thì bước tiếp theo là ký hợp đồng. Với những căn phòng tốt thì cùng một lúc sẽ có khá nhiều người xem nên hãy nhanh chóng quyết định nếu như đã thực sự ưng ý.

Làm thủ tục đăng ký thuê nhà và đợi xét duyệt

Sau khi bạn tìm thấy một tài sản bạn muốn thuê, điều đầu tiên cần làm là yêu cầu người môi giới giữ nhà cho bạn. Nếu như đã chuẩn bị sẵn các giấy tờ cần thiết cũng như tiền thì hãy điền đơn đăng ký thuê nhà. Lúc này, bạn có thể thương lượng giảm giá một vài chi phí nếu căn hộ có chút không vừa ý hoặc khác với thông tin quảng cáo.

Các giấy tờ cần thiết mà bạn có thể phải nộp cho văn phòng bất động sản là: hộ chiếu, thẻ cư trú, chứng minh thư sinh viên (nếu bạn là sinh viên), giấy chứng nhận việc làm (nếu bạn là nhân viên), con dấu cá nhân, sổ ngân hàng, v.v.

Bên cạnh đó, khi tìm nhà ở Nhật bạn sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin người bảo lãnh (nếu không có bạn có thể sử dụng dịch vụ tại các công ty bảo lãnh).

Sau khi hoàn tất đăng ký hợp đồng tạm thời, đại lý bất động sản sẽ gửi những tài liệu này cho chủ nhà (hoặc công ty quản lý) để kiểm tra hồ sơ của bạn, đồng thời gửi cho bạn một bản hoạch tính chi phí đầu vào để bạn chuẩn bị. Và một khi đơn đăng ký được chấp nhận, bạn có thể tiến hành ký kết hợp đồng chính thức.

Nếu chẳng may hồ sơ không được thông qua, bạn sẽ phải tìm thêm lần nữa. Để tránh rủi ro này, bạn nên chọn thêm một hoặc hai căn dự phòng từ danh sách căn hộ đại lý đã gợi ý.

Thảo luận về các khoản phí và điều kiện liên quan・ký hợp đồng

Nếu hồ sơ của bạn đã được thông qua, nhà môi giới sẽ liên hệ với bạn để hẹn ngày kí hợp đồng chính thức. Trước khi kí hợp đồng, bạn sẽ được giải thích tất cả các “thông tin quan trọng và điều khoản hợp đồng”.

Đúng như tên gọi, tài liệu này giải thích chi tiết về các thiết bị, tiện nghi, chi phí của căn hộ và các điểm quan trọng cần lưu ý trong hợp đồng.

Đây là một bước rất quan trọng, nên nếu đại lý bất động sản không có người nói được tiếng Việt hoặc tiếng Anh, sẽ rất có ích nếu bạn đi cùng người thông thạo tiếng Nhật để giúp bạn hiểu rõ về mọi thông tin được giải thích.

Sau khi đọc hiểu toàn bộ nội dung hợp đồng, nếu không có vấn đề gì, bạn có thể ký hợp đồng và đóng dấu với con dấu cá nhân (có nơi chấp nhận sử dụng chữ ký).

Bên cạnh đó, bạn cũng cần tham gia bảo hiểm hỏa hoạn. Đây là một biện pháp bảo vệ bạn trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra trong căn hộ, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn cũng đăng ký cùng hợp đồng.

Thông thường, bạn sẽ phải trả tất cả các khoản phí cần thiết cho hợp đồng tại thời điểm này. Vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn số tiền đã được người môi giới hoạch tính giúp bạn trước đó.

Nhận chìa khóa vào ngày nhập nhà

Khi hợp đồng đã được ký kết thành công, bạn chỉ cần nhận chìa khóa vào ngày bạn chuyển đến.

Nhiều người đặt ngày nhập nhà trước ngày rời khỏi nơi ở hiện tại, để có thời gian vận chuyển hành lý và sắp xếp nhà cửa vào ngày đó. Sẽ thuận lợi hơn nếu bạn tiến hành làm hợp đồng với công ty điện, nước, ga vào thời điểm này để bạn có thể bắt đầu sử dụng khi chuyển nhà hoàn tất.

Thật khó để sinh hoạt mà không có đồ nội thất và đồ gia dụng, vì vậy hãy mua những thứ thật cần thiết phù hợp với thời hạn lưu trú của bạn nhé.

Các từ vựng cần biết khi tìm nhà

Dưới đây là danh sách các từ vựng thường xuất hiện khi thuê nhà và giải thích chi tiết.

Từ vựng Giải thích
敷金 – Shikikin
(Tiền đặt cọc)
Khoản thanh toán tạm ứng tương đương 1 ~ 2 tháng tiền thuê nhà trả cho chủ nhà, dùng để trả tiền sửa chữa và dọn dẹp nhà trong tương lai và bạn sẽ được trả lại phần thừa ra sau khi chuyển đi.
礼金 – Reikin
(Tiền lễ)
Khoản tiền tặng cho chủ nhà khì bạn vào thuê nhà. Tiền lễ có thể bằng 2 tháng tiền nhà và không được hoàn lại. Gần đây, nhiều căn hộ cho thuê không lấy tiền lễ.
管理費/共益費 –
Kanri-hi / Kyōeki-hi
(Tiền quản lý / Phí sinh hoạt chung)
Khoản tiền sử dụng để duy trì và sửa chữa khu vực sử dụng chung. Vì phí này được tính mỗi tháng, nên bạn hãy cộng thêm vào tiền thuê nhà để ra số tiền thuê thực tế.
更新料 – Kōshinryō
(Phí gia hạn)
Khoản phí phải trả khi gia hạn hợp đồng. Hầu hết hợp đồng được gia hạn hai năm một lần. Do đó, nếu muốn ở thêm bạn sẽ phải thanh toán chi phí này trước khi hợp đồng hết hạn.
仲介手数料 –
Chūkai tesūryō
(Phí môi giới)
Khoản phí phải trả cho đại lý bất động sản sau khi ký hợp đồng. Thường bằng nửa tháng hoặc một tháng tiền nhà.
鍵交換費用 –
Kagi kōkan hiyō
(Phí thay khóa)
Khoản phí dùng để thay ổ khóa vào căn hộ của bạn. Điều ngày ngăn không cho người thuê trước vào nhà của bạn.
消臭抗菌代(Sterilization Fee)Khoản phí dùng để thực hiện khử mùi phòng và kháng khuẩn. Một số người thường từ chối trả phí này vì cảm thấy không cần thiết.
重要事項説明 –
Jūyō jikō setsumei
(Những điều quan trọng cần lưu ý)
Hay gọi tắt là “重説” (Jū setsu). Tài liệu này giải thích chi tiết về các thiết bị, tiện nghi, chi phí của căn hộ và các điểm quan trọng cần lưu ý trong hợp đồng.
保証人 – Hoshōnin
(Người bảo lãnh)
Người đảm bảo thanh toán tiền nhà khi người ký hợp đồng không thể thanh toán vì một số lý do nào đó. Nếu bạn không có người Nhật hoặc người Việt có vĩnh trú đứng ra bảo lãnh, bạn có thể sử dụng một công ty bảo hiểm làm người bảo lãnh.
残置物 –
Zan okimono
(Tài sản bị bỏ lại bởi người thuê trước)
Hay gọi tắt là “残置” (Zanchi). Đồ nội thất, thiết bị gia dụng, vv do người thuê trước để lại và không được tính là thiết bị cấp sẵn của căn hộ. Bạn có thể sử dụng nó, nhưng chủ nhà sẽ không chịu trách nhiệm sửa chữa hoặc thay thế nếu nó bị hỏng.
定期借家契約 –
Teikishakkakeiyaku
(Hợp đồng cố định)
Hay còn gọi là “定借” (Teishaku). Đây là một hợp đồng cho thuê với thời gian thuê cố định và không thể được gia hạn về nguyên tắc.

Nếu bạn có bất kỳ từ vựng hoặc vấn đề không rõ nào khác, hãy hỏi đại lý bất động sản ngay để được giải đáp.

Kết luận

Tìm nhà ở Nhật có thể khó khăn với nhiều thủ tục và thuật ngữ khó, không quen thuộc. Nên việc chọn một đại lý bất động sản có thể nói tiếng Việt hoặc hỗ trợ người nước ngoài có thể làm cho quá trình tìm nhà của bạn dễ dàng hơn nhiều.

Chúng ta hãy xem xét thật kỹ các thông tin khi nhận tư vấn từ người môi giới, về cả ưu và nhược điểm của mỗi lựa chọn. Đặc biệt là các điều khoản liên quan đến hợp đồng vì nó rất quan trọng, nên bạn đừng do dự đặt câu hỏi với đại lý bất động sản nếu có thắc mắc hay lo lắng nào.

Tìm một ngôi nhà vừa ý sẽ khiến bạn có thể tận hưởng cuộc sống ở Nhật tốt hơn. Hy vọng những thông tin trong bài viết này có thể giúp bạn tìm được “ngôi nhà hạnh phúc”. Hẹn gặp lại các bạn ở những chủ đề tiếp theo.

Chúng tôi hy vọng rằng thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong cuộc sống hàng ngày tại Nhật. Và nếu bạn bối rối về bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này, hãy để lại bình luận bên dưới.
JP SMART MAGAZINE