Văn hóa Nhật Bản chứa đựng những điều mới mẻ và vô cùng độc đáo.
Khi nhắc đến các cô gái mặc Kimono truyền thống ở Nhật Bản, hẳn đa số bạn đọc sẽ nghĩ ngay tới các Geisha hoặc Maiko – những cô gái bán nghệ, dùng tài năng của mình để giải trí cho các khách hàng có địa vị và mối quan hệ rộng trong lịch sử Nhật Bản.
Nếu như hình tượng Geisha tạo nên sự hoàn hảo về mặt nghệ thuật Nhật Bản truyền thống thì Oiran lại là cái tên mới mẻ mà mọi người không ngừng tò mò. Vậy “Oiran” là gì? Và liệu Geisha và Oiran có điểm gì khác biệt nhau? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết này nhé!
“Oiran (花魁)” là gì?
Oiran (花魁 – Hoa Khôi) , là những kỹ nữ hạng sang thời Edo ở Nhật Bản. Tiếng Pháp gọi là クルティザンヌ(courtisane)và tiếng Ý là コルティジャーナ(cortigiana).
Sự khác biệt giữa “Oiran” và “Yūjo”
Văn hóa kỹ nữ xuất hiện vào đầu thời kì Edo (1600-1868). Lúc bấy giờ, luật pháp được ban hành để hạn chế sự phát triển của những nhà chứa cho tới những khu lầu xanh yūkaku (遊廓) với điều kiện chúng phải ở trong các khu vực biệt lập, có tường bao quanh và được đặt cách xa trung tâm thành phố.
Mặc dù có rất nhiều lầu xanh trên khắp Nhật Bản thời đó, nhưng nổi bật bậc nhất đó là 3 khu vực: Shimabara ở Kyoto, Shinmachi ở Osaka, và Yoshiwara ở Edo (Tokyo ngày nay). 3 địa điểm này nhanh chóng phát triển thành những khu vực vui chơi rộng lớn, khép kín và cung cấp toàn bộ các loại hình giải trí bao gồm: ẩm thực, biểu diễn tự do và các buổi lễ hội, diễu hành thường xuyên. Yoshihara yūkaku (吉原遊郭) của Edo trước đây được thành lập ở nơi mà bây giờ là Nihonbashi Nin-gyocho ở thủ đô Tokyo, và sau đó chuyển đến khu vực Asakusa.
Oiran được xem như là một kiểu “yūjo (遊女) – Du nữ: người phụ nữ của sự khoái lạc” hay ta thường biết tới với tên gọi thông tục là “kỹ nữ/gái làng chơi/gái điếm”.
Tuy nhiên, khác với yūjo bình thường – Oiran là thứ hạng cao nhất mà các kỹ nữ thời đó đều mơ ước được trở thành. Nghệ thuật và phong cách thời trang của họ thường tạo ra xu hướng và chính vì điều đó, các khía cạnh văn hóa truyền thống của Oiran vẫn tiếp tục được lưu giữ cho đến ngày nay.
Vào thời kỳ đầu của Yukaku, kỹ nữ được chia thành hai hạng: “Tayu (太夫)” và “Hashijoro (端女郎)”. Khi số lượng các kỹ nữ tăng lên theo nhu cầu của khách hàng, các thứ hạng lại được chia nhỏ ra thành nhiều cấp bậc như:
Tayu (太夫)→Kōshi (格子) → Tsubone (局) → Kirimisejorou (切見世女郎)
Và sau đó, Tayu được gọi là “Oiran (花魁)”
Tayu ban đầu được gọi là “Keisei (傾城) – Khuynh thành“. Đây là một từ gốc Trung Quốc lấy từ thành ngữ “傾城傾國 (Khuynh thành, khuynh quốc)” có nghĩa bóng là “sắc đẹp của một người phụ nữ làm cho người ta mê mệt”. Còn nghĩa đen thì thường được ví như một loại sắc đẹp quyến rũ khiến cho vua chúa ngả nghiêng, dẫn đến sự sụp đổ của một quốc gia (khuynh thành).
Khách hàng sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền và thể hiện địa vị cũng như đẳng cấp của mình để có thể được một Oiran phục vụ. Vì vậy việc qua lại với một Oiran nổi tiếng được cho là dấu hiệu của sự thành công trong thời đại đó.
Oiran không đơn thuần hoạt động tình dục thông thường như gái bán thân yūjo (遊女) mà họ còn là nghệ nhân về đàn hát, múa, trò chuyện, cầm-kì-thi-họa và sở hữu nghệ thuật tán tỉnh, trêu chọc khách hàng. Hoàn toàn sai lầm khi nhận định Oiran là người dễ dàng bán thân để đổi lấy tiền tài.
Trong thực tế văn hóa Nhật Bản, Oiran chỉ phục vụ những Samurai và họ có quyền lựa chọn khách để phục vụ. Họ sẵn sàng từ chối những khách đơn thuần đòi hỏi về tình dục hoặc không đủ tư cách. Oiran ngoài việc sở hữu ngoại hình đẹp tuyệt hảo thì họ còn là người tri thức, thông thạo và hiểu biết về các vấn đề xã hội. Bởi lẽ tại con phố cổ Nhật Bản, nhất là chốn cung đình Edo hồi đó, những khách mà Oiran tiếp đãi là những người thuộc giới thượng lưu với tri thức cao.
Một phụ nữ trở thành Oiran danh tiếng phải là người có trí tuệ vì họ cần nhạy cảm, có kiến thức để có thể trò chuyện với khách là người quyền thế, chức cao vọng trọng trong giới quý tộc, các chính khách, lãnh chúa.
Để trở thành Oiran thực thụ, một cô gái cũng sẽ phải tốn rất nhiều tiền để được đào tạo, học tập. Họ cũng phải bỏ nhiều tiền thuê hầu gái và các dịch vụ khác để phục vụ danh tiếng của mình.
Do đó, Oiran cũng không phải là hạng người mà bất kỳ ai có tiền cũng có thể mời vào ân ái.
Nguồn gốc của từ “Oiran (花魁)”
Có nhiều giả thuyết khác nhau cho sự ra đời của tên gọi “Oiran”. Tuy nhiên, giả thiết được nhiều người chấp nhận nhất là: Oiran bắt nguồn từ một cụm tiếng Nhật: おいらの所の姉さん (oira no tokoro no nēsan), có nghĩa là “chị gái ở chỗ chúng tôi”. Khi viết bằng chữ Kanji, nó gồm hai ký tự, là 花 – “hoa”, và 魁 – “khôi”.
Mặc dù cụm từ trên được sử dụng rộng rãi cho tất cả vùng miền, nhưng nếu đúng ra thì chỉ có kỹ nữ cao cấp ở khu vực Yoshiwara của Edo (Tokyo ngày nay) mới được gọi là Oiran.
Ngoài ra, các bé gái hầu hạ cuộc sống hằng ngày cho Oiran sẽ được gọi là “Kamuro(禿)”; các bé gái được đào tạo trở thành kỹ nữ được gọi là “Shinzo (新造)”; và các đầy tớ nam giới làm việc nhà được gọi là “Genan(下男)”.
Quá trình trở thành khách hàng của một Oiran
Quá trình trở thành một Oiran thực sự không hề dễ dàng. Họ phải học tập và tuân theo rất nhiều quy tắc để có thể trở thành nghệ nhân trong mọi lĩnh vực bên cạnh việc mang sắc đẹp nổi trội và một trí thông minh có thể quyến rũ bất kỳ người đàn ông nào. Do đó, việc trở thành khách hàng của một Oiran cũng không hề đơn giản.
Để nhận sự phục vụ của oiran, khách hàng phải gặp cô ấy ít nhất 3 lần và thể hiện “đẳng cấp” tiền tài, cũng như độ chịu chơi của mình cho Oiran xem xét.
- Đầu tiên oiran sẽ ngồi cách xa khách hàng và không ăn, uống hay nói chuyện với anh ta. Tại thời điểm này, Oiran sẽ quyết định khách hàng xứng đáng với sự phục vụ của cô. Khách hàng sẽ gọi rất nhiều yuujyo và tổ chức buổi tiệc lớn để thể hiện sự giàu có của họ.
- Đối với lần gặp thứ hai, quá trình cũng sẽ được diễn ra tương tự nhưng oiran sẽ ngồi gần hơn một chút với khách hàng.
- Đến lần thứ ba, người khách mới có được sự phục vụ của Oiran. Tại lần gặp này, khách hàng sẽ trở thành “Najimi (馴染み)”, nghĩa là một khách hàng quen thuộc. Khách hàng sẽ có một cái khay và đôi đũa có tên của mình trên đó. Họ sẽ phải vung tiền nhiều hơn 2 lần trước cho tiền najimikin(馴染み金), hoặc tiền cho sự phục vụ của oiran.
Oiran-Dōchū là gì?
Sau khi đã trở thành Najimi của Oiran, người khách hàng này phải tuân thủ 1 quy tắc: chung tình với Oiran đó. Họ sẽ không được lui tới chơi bời cùng những cô gái làng chơi khác. Và để thể hiện tình cảm cũng như lòng hiếu khách của mình, khi được gọi tới phục vụ, Oiran sẽ dẫn một đoàn người diễu hành trên phố tới “Ageya (揚屋)” hoặc “hikitechaya (引手茶屋)” để tiếp đón vị Najimi đó. Quá trình này được gọi là Oiran-Dōchū (花魁道中). Dōchū (道中) có nghĩa là trên đường đi.
Vào thời Edo, “Ageya (揚屋)” là một cửa hàng mà khách hàng mời những kỹ nữ cao cấp như Tayu, Tenjin và Oiran từ “Okiya (置屋)” đến chơi.
Oiran sẽ mặc một bộ trang phục và kiểu tóc đặc định rồi đi cùng kamuro (禿) shinzou (新造) và các Genan(下男) của quán mình để họ chăm sóc cô ấy.
Một trong những trang phục đặc trưng của Oiran khi biểu diễn Oiran-Dōchū là chiếc guốc gỗ (geta) sơn đen cao chừng 30cm hoặc cao hơn. Cách đi bộ với những chiếc geta cao này được gọi là “Hachimonji (八文字).” Cách đi đặc biệt này được chia thành 2 loại: “Uchi-Hachimonji (内八文字)” và “Soto-Hachimonji (外八文字)”. Người ta nói rằng loại Soto-Hachimonji có hình thức trang nhã hơn nên đã trở thành xu hướng chủ đạo trong các cuộc diễu hành của Oiran.
Đặc điểm của cách đi này là Oiran sẽ vòng chân theo chiều từ ngoài vào trong và chuyển động theo hình số 8 với mỗi bước. Điều này có nghĩa là cô ấy không cần phải đi nhanh, mà mục đích chính là để phô trương sự giàu có của mình, điều mà cô ấy cũng đã làm với sự hiện diện của những người thuộc hạ, người giúp việc và người học việc của mình.
Người ta nói rằng sẽ mất ba năm để học Soto-Hachimonji. Không những thế để có thể đi lại uyển chuyển được trên đôi guốc cao này đòi hỏi các Oiran phải có cả thể lực, sự khéo léo, kiên trì, và sức mạnh của đôi chân. Điều này cũng cho thấy Oiran không chỉ là một “bình hoa di động”, họ đã phải học tập và nỗ lực rất nhiều để được người khác coi trọng.
Sự khác biệt giữa Oiran và Geisha
Nhiều người nhầm lẫn oiran với geisha, hoặc ngược lại, nhưng đó là những khái niệm hoàn toàn khác nhau. Do đó, chúng tôi sẽ giúp bạn phân biệt và thấy rõ sự khác nhau giữa hai nghề này.
Geisha là gì?
“芸者 Geisha” (Nghệ Giả) là từ dùng để chỉ nữ giới làm những công vệc góp vui cho các buổi yến tiệc bằng cách nói chuyện, nhảy múa, hát,…trong trang phục Kimono. Từ “芸者 Geisha” này có nghĩa là “một người nghệ sĩ đa tài”, không chỉ giỏi nói chuyện, nhảy múa, đàn hát, mà còn rất chuyên nghiệp trong Trà Đạo và Ikebana (nghệ thuật cắm hoa).
Chúng ta có thể nói rằng họ là những “chuyên gia tiếp khách”, những người biểu diễn nghệ thuật và tạo không khí bữa tiệc cùng
Như đã giới thiệu trong phần giải thích về Oiran-Dōchū, các Geisha sẽ tiếp đãi khách trong khi họ đợi Kakai tại cửa Ageya (揚屋). Bởi vậy mới nói, Oiran và Geisha có những vai trò khác nhau.
Một Geisha sẽ không được phép tiếp khách khi có sự xuất hiện của Oiran. Người ta sẽ nói rằng nàng Geisha đó đã cướp công việc của Oiran, và điều này sẽ gây ra rắc rối nghiêm trọng cũng như bị tính là bất hợp pháp trong luật hành nghề dịch vụ của Nhật Bản thời Edo.
Ngoài ra, đúng như câu nói, “Chỉ bán nghệ chứ không bán mình (芸は売っても身は売らぬ)”, Geisha có niềm tự hào với việc kiếm sống chân chính từ kỹ nghệ của họ.
Để so sánh vào thời Edo, thì Oiran được xếp hạng cao hơn so với Geisha. Vì có vẻ thành phần khách hàng có thể được Oiran tiếp đón cao cấp và chọn lọc khắt khe hơn hẳn. Ngày nay, nghề Oiran đã không còn được phép tồn tại nữa. Tuy nhiên, các Geisha vẫn đóng vai trò truyền tải văn hóa truyền thống Nhật Bản như một nghệ sĩ giải trí trong nghệ thuật biểu diễn.
Kuruwa Kotoba(廓詞)
Có những khác biệt khác giữa Oiran và Geisha ngoài vai trò của họ. Một trong số đó là Kuruwa Kotoba (廓詞).
Vì các du nữ “yūjo (遊女)” đến từ khắp nơi trên Nhật Bản, nên họ đã phát minh ra một phương ngữ riêng được gọi là kuruwa kotoba (廓詞) để ẩn giọng quê hương của họ. Đặc điểm nhận biết là chữ “arinsu (ありんす)” được nói ở cuối câu.
Ngoài việc che giấu phương ngữ, nó được cho là được sử dụng để tạo ấn tượng thanh lịch và cao quý. Kuruwa Kotoba là một phương tiện để đáp ứng mong muốn của nam giới đối với Oiran để có cảm giác được nâng cao cái tôi của họ.
Trên thực tế, chỉ có các Oiran ở Yoshiwara Yukaku ở Edo (Tokyo ngày nay) là sử dụng Kuruwa Kotoba, còn Oiran của Shimabara Yukaku ở Kyoto và Shinmachi Yukaku ở Osaka chỉ sử dụng phương ngữ Kansai thông thường.
Sự khác biệt về trang phục
Geisha vào thời kì đầu thường sử dụng trang phục đơn giản, nhã nhặn, dựa trên màu đen. Về màu sắc và hoa văn, Maiko thường mặc các bộ Kimono lộng lẫy hơn và có nét giống trang phục của Oiran hơn.
Trang phục của Oiran rực rỡ và sang trọng hơn của Maiko. Họ mặc “打掛 (Uchikake)” làm từ Donsu (緞子) hoặc Kinran (金襴) đắt tiền. Donsu là một loại vải dệt từ tơ tằm với cảm giác mềm, bóng và nặng, và Kinran là loại vải có hoa văn sử dụng chỉ vàng.
Một đặc điểm khác dễ dàng nhận biết đó là phần đai lưng của Kimono – Obi. Các bộ Kimono của Oiran có phần thắt Obi nằm ở phía trước thay vì phía sau. Nhiều người cho rằng lý do để có sự khác biệt này, là do tính chất công việc của Oiran. Đặt phần thắt Obi ở phía trước sẽ dễ dàng để tháo ra hơn trong quá trình hành lạc.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, điều này không được thực hiện để họ có thể cởi quần áo một cách dễ dàng mà là một phong cách thời trang bắt nguồn từ thời Heian (794-1185).
Địa điểm giúp bạn “biến hình” thành Oiran
Với những ai yêu thích Cosplay nói riêng và có mong muốn trải nghiệm văn hóa Nhật Bản nói chung, chúng tôi xin giới thiệu những studio – nơi giúp bạn có những bức hình lưu niệm để đời dưới hình dáng của một Oiran quyến rũ.
Studio Nanairo
Studio Nanairo là một studio ảnh có tiếng ở Asakusa, Tokyo. Bạn có thể đặt lịch hẹn chụp với họ trước từ Internet, sau đó tới tiệm mặc kimono, tạo kiểu tóc và chụp ảnh trong trang phục Kimono lộng lấy của Oiran.
Ngoài Oiran, họ cũng cung cấp các gói chụp Geisha, Maiko và Samurai dành cho nam giới. Họ cũng có gói dịch vụ đi dạo với trang phục cho thuê kimono. Vì vậy cửa hàng này rất lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm mặc Kimono ở Tokyo.
- Trang chủ: Photo studio Nanairo (English)
ESPERANTO
ESPERANTO là một studio ảnh ở Kyoto. Họ cung cấp đủ loại hình và gói dịch vụ đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng, từ những lựa chọn cơ bản có giá cả hợp lý, vừa túi tiền đến những gói dịch vụ cao cấp với đủ loại trang phục và phông cảnh cho bạn lựa chọn.
Ngoài ra họ còn có một lựa chọn dành cho các cặp đôi, nơi nam giới cũng có thể mặc kimono.
Sự kiện bạn có thể chiêm ngưỡng Oiran-Dōchū
Sự kiện nổi tiếng mà bạn có thể chứng kiến Oiran-Dōchū ngày nay ở Tokyo là “Lễ hội Asakusa Kannon Ura Ichiyo Sakura – Edo Yoshihara Oiran Dōchū” (浅草観音うら 一葉桜まつり 江戸吉原おいらん道中). Sự kiện được tổ chức vào ngày thứ 7 của tuần thứ 2 của tháng 4 hàng năm, và được dẫn dắt bởi người dân địa phương Yoshihara.
- Trang chủ sự kiện: 江戸新吉原おいらん道中 | 浅草観音うら 一葉桜まつり (Japanese)
“Ichiyo Sakura Komatsubashi-dori”, nơi tổ chức cuộc diễu hành Oiran-Dōchū, cũng là nơi nổi tiếng để ngắm hoa anh đào (花見 Hanami). Khi tới sự kiện này bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp diễm lệ của những nàng “Hoa Khôi” đi dạo dưới những tán hoa anh đào. Sau cuộc diễu hành, một “Oiran show” sẽ được tổ chức trên sân khấu.
Đây là một sự kiện có giá trị mà lại hoàn toàn miễn phí – nơi bạn có thể quay về quá khứ, trải nghiệm thế giới của thời kỳ Edo, Nhật Bản.
Tổng kết
Mại dâm bị coi là bất hợp pháp ở Nhật Bản từ năm 1958, vì vậy Yūjo và Oiran đã không còn tồn tại, tuy nhiên nó vẫn được tôn trọng như là một hình ảnh của cái đẹp nữ tính trong văn hóa nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản thời Edo. Một nhóm nhỏ tayū vẫn còn ở Kyoto cho đến ngày nay, nhưng công việc của họ bây giờ chủ yếu để giữ gìn văn hóa giống như một geisha, trong đó họ góp mặt để thực hiện các show diễn giải trí trong các bữa tiệc độc quyền bằng đàn hát và khiêu vũ.
Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Nhật Bản, và một số trong số họ thử mặc kimono truyền thống và chụp ảnh như một phần trong trải nghiệm Nhật Bản của họ. Có những trường học hoặc workshop hay studio, nơi mà bạn có thể học cách mặc kimono trên khắp Nhật Bản, kể cả ở khu vực Kansai. Vì vậy hãy thử một lần nếu bạn có cơ hội nhé.